TS. Nguyễn Khắc Thành: “Bước ra thế giới với một tiếng đàn bầu…”

07/06/2017 huonght20

Đó là chia sẻ của TS. Nguyễn Khắc Thành – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT khi nói về chủ đề nhạc cụ dân tộc đã và đang được giảng dạy tại FPTU Hoà Lạc gần 3 năm nay và ý nghĩa của chương trình này. 

PV đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Khắc Thành để tìm hiểu kỹ hơn về nội dung này:

TS có thể chia sẻ kỹ hơn về ý tưởng đưa nhạc cụ dân tộc vào giảng dạy tại ĐH FPT không?

Từ năm 2006, khi mới thành lập trường, ĐH FPT đã là trường tiên phong đưa bộ môn võ cổ truyền Vovinam vào giảng dạy chính khóa. Đến năm 2009, ĐH FPT bắt đầu thử nghiệm đưa ca trù, đàn bầu, đàn tranh… thành lớp năng khiếu dành cho sinh viên yêu thích. Từ thành công bước đầu đó, Ban Giám hiệu thống nhất tiến thêm một bước khi quyết định đưa giá trị văn hóa dân tộc trở thành một môn học chính khóa cho sinh viên.

Sinh viên Đại học FPT đang say mê học Đàn Nhị cùng thầy Nguyễn Khắc Thành

Ý nghĩa của việc đưa âm nhạc truyền thống vào chương trình giảng dạy là gì, thưa Tiến sĩ?

Trước tiên, tôi xin nói về âm nhạc nói chung. Chắc nhiều người biết đến khái niệm chỉ số thông minh IQ, một khái niệm được nhắc đến và sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên các học giả hiện đại nhắc nhiều hơn đến sự đa dạng của trí thông minh, và 7 loại hình thông minh được nhắc đến bao gồm trí thông minh Ngôn ngữ; trí thông minh Logic – toán học; trí thông minh Không gian; trí thông minh Cảm xúc vận động; trí thông minh Âm nhạc; trí thông minh Quan hệ giao tiếp; trí thông minh Nội tâm (một số thuyết thêm trí thông minh thứ 8 – Môi trường tự nhiên).

Như vậy có thể thấy tầm quan trọng của Âm nhạc trong sự hình thành và phát triển của con người. Giáo dục âm nhạc là phương tiện nâng cao khả năng trí tuệ, phát triển thể chất, giúp sinh viên phát triển trí tưởng tượng, kích thích sự sáng tạo. Quá trình tiếp xúc và hoạt động âm nhạc giúp hình thành ở các bạn trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện và hài hoà.

Vậy ĐH FPT đã tổ chức giảng dạy âm nhạc truyền thống như thế nào?

Khoa Nhạc cụ truyền thống của Học viện Âm nhạc Quốc gia có 8 bộ môn là sáo, đàn bầu, đàn tranh, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tì bà, đàn tam thập lục và bộ gõ. Chỉ trừ 2 bộ môn gõ (tam thập lục và bộ gõ), ĐH FPT triển khai đầy đủ tất cả các môn Sáo Bầu Tranh Nhị Nguyệt Tì. Sinh viên sẽ lựa chọn một trong 6 môn để theo học. Mỗi lớp học sẽ có tối đa 15 sinh viên. Mỗi môn học gồm 60 tiết, chia làm 30 buổi (thời lượng của một môn học chuẩn của ĐH FPT).

Trường hiện có bao nhiêu giảng viên phụ trách chương trình âm nhạc truyền thống và những giảng viên này có gì đặc biệt, thưa Tiến sĩ?

Hiện, bộ môn có 5 giảng viên cơ hữu đảm nhiệm giảng dạy. Trường cũng đã đầu tư nhạc cụ đảm bảo cho sinh viên theo học.

Đặc biệt, trong bộ môn Âm nhạc của trường còn có một cô giáo chơi đàn đáy (là cây đàn đặc trưng của ca trù, hay còn gọi là ả đào) và một cô giáo hát ca trù rất hay. Cả 2 cô đều là những thành viên tích cực của Câu lạc bộ ca trù Thăng Long – nơi những nghệ sĩ tâm huyết đang ngày ngày cần mẫn gìn giữ những nét đẹp của ca trù, bộ môn nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Hai cô cũng đã đào tạo được nhiều sinh viên có thể đánh trống chầu khá điêu luyện.

Bởi vậy, ĐH FPT đã đủ chầu hát ca trù – cả đào, cả kép, cả quan viên – và luôn sẵn sàng để phục vụ khán thính giả gần xa.

Sinh viên FPT sẽ học được những gì sau khoá học này?

Sau khóa học, sinh viên sẽ có khái niệm cơ bản về âm nhạc truyền thống và nhạc cụ mà các em theo học. Đây là kiến thức phổ cập, sinh viên sẽ được trang bị những hiểu biết cơ bản nhất về âm nhạc và văn hóa dân tộc. ĐH FPT có nhiều câu lạc bộ sở thích và năng khiếu để sinh viên tham gia, đó sẽ là sân chơi để sinh viên có đam mê tiếp tục sinh hoạt và phát triển tài năng của mình.

Các thành viên CLB FTIC biểu diễn hòa tấu nhạc cụ dân tộc tại khuôn viên ĐH FPT Hòa Lạc.

TS có thể chia sẻ kỳ vọng của ĐH FPT khi đưa môn học này vào chương trình giảng dạy?

Chúng ta đang nói nhiều đến Toàn cầu hoá. Các bạn trẻ nói chung và sinh viên của ĐH FPT nói riêng đang hàng ngày học những kiến thức mới nhất về Quản trị doanh nghiệp, về Marketing, về Cloud, về Big Data… Các em sẽ bước ra sân chơi lớn, nói với khách hàng bằng tiếng Anh, tiếng Nhật…

Chúng tôi chỉ có một kỳ vọng nhỏ bé: dù đi đến đâu các em cũng vẫn giữ trong tâm hồn mình một tiếng đàn bầu, đàn tranh… Để các em luôn tự hào là người Việt Nam và nói với bạn bè quốc tế về niềm tự hào đó bằng tiếng Nhật, tiếng Anh… và còn tuyệt vời hơn nếu nói bằng ngôn ngữ của Âm nhạc.

Tất nhiên, cần nhấn mạnh rằng giáo dục âm nhạc không phải để biến một người nào đó trở thành nghệ sĩ. Chương trình sẽ góp phần xây dựng văn hóa, nhân cách bằng chính âm nhạc, biến mỗi cá nhân thành những người biết thụ hưởng những giá trị đúng của âm nhạc chứ không phải biến tất cả các sinh viên trở thành nghệ sĩ. Nhà trường hy vọng từ hàng nghìn sinh viên tham gia sẽ có một số em thực sự say mê, có thể tham gia vào câu lạc bộ, học hỏi thêm kiến thức nâng cao để chơi thành thạo và biểu diễn được.

Sự ra đời của câu lạc bộ nhạc cụ truyền thống FTIC (FPT Traditional Instruments Club) và những thành công nho nhỏ của các em đã bước đầu đáp ứng được kỳ vọng này.

Chúng tôi hy vọng ngoài “Võ đường Vovinam lớn nhất thế giới”, ĐH FPT sẽ trở thành “Lò luyện Sáo Bầu Tranh Nhị Nguyệt Tì lớn nhất thế giới”.

ĐH FPT là trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo từ năm 2014. Đây được đánh giá là một trong những hành động thiết thực của ĐH FPT để truyền thụ tinh hoa văn hoá dân tộc tới học sinh, sinh viên thông qua những kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Tại ĐH FPT Hoà Lạc, sinh viên sẽ được tự chọn 1 trong 6 nhạc cụ: đàn tranh, đàn nguyệt, đàn bầu, sáo, nhị, đàn tỳ bà và theo học như một môn học bắt buộc. Trong các giờ học, không gian toà nhà hiệu bộ tại Hoà Lạc náo nhiệt với âm thanh của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Với thời lượng khoảng 30 buổi, mỗi buổi 1,5h, sinh viên FPTU sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về nhạc cụ dân tộc và có thể chơi một số bài nhạc cơ bản.

Theo Tổ chức giáo dục FPT

Từ khóa: