Thiếu hụt nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo – cơ hội vàng cho sinh viên AI trường F

18/11/2020 Nguyễn Thị Hồng Yến

Nguồn nhân lực về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay của Việt Nam mới chỉ đáp ứng 1/10 nhu cầu thị trường. Những thống kê nhân sự mới nhất từ các đơn vị tuyển dụng cũng như những chia sẻ từ các tập đoàn CNTT hàng đầu cho thấy cơ hội việc làm và thu nhập khủng đang đợi các sinh viên AI tài năng trong tương lai.

Các đại biểu tham quan sản phẩm trí tuệ nhân tạo của doanh nghiệp tại Ngày hội doanh nghiệp CNTT và trí tuệ nhân tạo TPHCM năm 2020. Ảnh: Nguyễn Trinh

Khan hiếm nhân lực chuyên ngành trí tuệ nhân tạo AI

Theo khảo sát của Công ty việc làm Navigos Search North, mức lương hiện nay dành cho các vị trí thuộc nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI khoảng 1.800 USD/tháng và khoa học dữ liệu là 1.600 USD/tháng. Dù lương rất hấp dẫn nhưng nguồn cung nhân lực khá ít ỏi nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân tài.

Theo các chuyên gia, nguồn cung cấp chuyên gia AI chủ yếu là tu nghiệp tại nước ngoài, từ một số trường đại học danh tiếng về công nghệ. Một số DN lớn của Việt Nam cũng tung ra chính sách chiêu mộ tài năng AI nhưng số lượng vẫn không đáp ứng tốc độ phát triển nói chung.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Trưởng phòng Nhân sự Trung tâm Không gian mạng Viettel, nhu cầu về nhân lực trong ngành khoa học dữ liệu và AI ngày càng tăng cao và trở thành thách thức lớn của tất cả DN trên thị trường. Để giải quyết vấn đề khan hiếm nhân lực, các DN phải chủ động đào tạo những nhân tài tiềm năng, đồng thời tạo cơ hội việc làm mới cho những nhóm nhân lực trẻ.

Tập đoàn FPT cũng xác định AI là công nghệ mũi nhọn nhưng FPT cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI. Nguồn nhân lực hiện có của FPT mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu và dự kiến thiếu hụt khi tiếp tục mở rộng đầu tư. Do vậy, tập đoàn liên tục tuyển dụng các nhân tài AI và vẫn cần đào tạo thêm để đáp ứng đủ nhu cầu. Ông Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT cho biết, giải bài toán nguồn nhân lực AI đang là thách thức với FPT nói riêng và các DN nói chung, khi thị trường khan hiếm nhân lực của ngành này. Những người xuất sắc nhất ở Việt Nam thường lựa chọn đi học ở nước ngoài mà đã đi thì không trở lại.

Mặt khác, hiện DN trong nước cũng gặp phải sự cạnh tranh khi nhiều DN nước ngoài đến Việt Nam tìm kỹ sư công nghệ để mời sang nước họ làm việc do thiếu nguồn nhân lực công nghệ cao. Một làn sóng khởi nghiệp với việc thâu tóm, mua bán, sáp nhập các DN công nghệ trong nước với các đối tác ngoại cũng góp phần làm cho nguồn cung nhân lực AI ngày càng khan hiếm.

Tại TPHCM, chương trình AI cũng gắn chặt với sự phát triển của Đề án đô thị thông minh của thành phố, kết nối sâu rộng với chương trình chuyển đổi số. Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian qua việc ứng dụng AI và chuyển đổi số đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang bước vào giai đoạn 2 của đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, tạo môi trường thuận lợi để TPHCM trở thành nơi khởi nghiệp và thành công của hơn 45.000 DN công nghệ thông tin. Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung việc ứng dụng AI của TPHCM còn chậm và kém so với nhiều đô thị khác trên thế giới.

Đẩy mạnh đào tạo, tăng liên kết chuyên ngành trí tuệ nhân tạo

Nhằm chủ động nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, Tập đoàn Vingroup mới đây cũng vừa công bố triển khai “Chương trình Phát triển nhân lực lĩnh vực AI và khoa học dữ liệu Vingroup” nhằm góp phần xây dựng lực lượng nòng cốt cho khoa học, công nghệ Việt Nam. Xuyên suốt chương trình, ứng viên sẽ được trả mức lương cạnh tranh, được đào tạo cơ bản và chuyên sâu, đồng thời có cơ hội tu nghiệp tại những tập đoàn công nghệ, các trung tâm nghiên cứu hàng đầu thế giới. Theo đó, các kỹ sư sẽ trải qua thời gian đào tạo vòng 1 là một năm và hoàn toàn không phải trả học phí. Ngược lại, trong suốt quá trình học, ứng viên sẽ được tập đoàn này tuyển dụng và đãi ngộ như nhân viên chính thức, đồng thời trả lương với mức cạnh tranh trên thị trường. Các học viên xuất sắc của vòng 1 sẽ có cơ hội được tiếp tục đào tạo thực tiễn để trở thành các chuyên gia của ngành.

Đào tạo chuyên ngành AI tại Đại học FPT

Để bắt kịp nhu cầu thị trường lao động chất lượng cao, một số trường Đại học (ĐH) đã mở thêm chuyên ngành đào tạo trí tuệ nhân tạo như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH FPT… PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, hàng năm, các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM dành khoảng 2.200 chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành công nghệ thông tin và hơn 2.000 chỉ tiêu cho các ngành khác liên quan như toán, tự động hóa hay AI…

Tuy nhiên, để phát triển AI càng hiệu quả và bền vững, PGS.TS Vũ Hải Quân đề xuất TPHCM hình thành cụm liên kết các trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI Hubs) gồm bốn hợp phần: trung tâm đào tạo AI, cụm nghiên cứu ứng dụng AI, trung tâm các doanh nghiệp khởi nghiệp về AI và trung tâm giao dịch, trình diễn các công trình, sản phẩm.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, một vấn đề quan trọng đối với sự phát triển AI ở Việt Nam còn là việc tập hợp cộng đồng, đặc biệt là thu hút sự tham gia hiệu quả của người Việt Nam làm AI ở nước ngoài cùng với đội ngũ ở trong nước, nhằm đẩy mạnh sự phát triển AI và hệ sinh thái AI ở Việt Nam.

Theo Hải Quan Online

Từ khóa: