Sinh viên FPT lập website cảnh báo dịch bệnh

16/04/2014 Quỳnh

Nhân viên y tế ở phường, xã cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về tình hình bệnh của người dân. Dựa vào cơ sở dữ liệu đó, cán bộ y tế các cấp cao hơn sẽ nhận được “cảnh báo”.

5 sinh viên Nguyễn Tiến Hạnh, Lê Đình Duy, Hoàng Xuân Hiếu, Bùi Bảo Việt và Phạm Phan Ngọc Mai (Đại học FPT) vừa bảo vệ đồ án tốt nghiệp với đề tài mang tính thời sự, nhiều ý nghĩa: Website cảnh báo dịch bệnh (Diseases early warning website) – một sản phẩm công nghệ thông tin nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người.

Theo thuyết trình của nhóm sinh viên, dịch sởi không được cảnh báo kịp thời được coi là một trong những nguyên nhân làm căn bệnh này lây lan trên diện rộng, khiến người dân hoang mang, đội ngũ y bác sĩ lúng túng. Nếu có những số liệu thống kê về tình hình người dân mắc bệnh cùng những biến chứng “lạ” được sớm phát hiện, những con số được cập nhật thường xuyên và báo cáo sớm đến các cấp có thẩm quyển có thể sẽ cảnh báo kịp thời đến người dân.

Từ đó, nhóm lên kế hoạch cho một dự án website mà ở đó, nhân viên y tế cấp thấp nhất như phường, xã có thể cập nhật thường xuyên, chính xác các thông tin về tình hình bệnh. Dựa vào cơ sở dữ liệu mà các địa phương cung cấp, cán bộ y tế cấp cao hơn sẽ nhận được “cảnh báo” về nguy cơ dịch khi cần thiết. Nhờ đó, những người có trách nhiệp sẽ kịp thời đưa ra cảnh báo cho người dân, cũng như có các hành động ứng phó cần thiết.

Dữ liệu báo cáo được phân cấp độ quan trọng khác nhau như bình thường hoặc khẩn…

Phạm Phan Ngọc Mai – thành viên nữ duy nhất của nhóm cho biết, “Website cảnh báo dịch bệnh” được hình thành từ mối quan tâm của nhóm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của con người.

Bản thân Mai có mẹ là nhân viên y tế xã, thường xuyên phải báo cáo về bệnh truyền nhiễm ở địa phương. Công việc của bà rất vất vả, tốn thời gian ở khâu viết báo cáo, tổng hợp số liệu về các trường hợp mắc bệnh bằng tay.

“Mình muốn giúp mẹ đỡ vất vả trong công việc, xa hơn là làm điều gì đó để chia sẻ những khó khăn với người làm việc trong ngành y. Khi tìm hiểu thực tế, chúng mình chưa thấy bất cứ website nào có chức năng, nhiệm vụ tương tự. Vậy là bắt tay tìm hiểu để làm”, Mai chia sẻ.

Là những “tín đồ” công nghệ mong làm được những điều có ích cho cuộc sống, năm bạn trẻ đã hăng hái vào cuộc. Từ những người “lơ mơ” về chuyện của ngành y, họ tìm mọi cách để có thông tin cần thiết nhất: Tìm trên mạng, hỏi người thân, bạn bè, các tài liệu tham khảo… Đặc biệt, nhóm còn có một nhà “tư vấn” nhiệt tình là mẹ của Ngọc Mai. Bà không chỉ đóng góp những ý kiến chuyên môn về ngành y, mà còn giúp các bạn trong nhóm đồ án hiểu được quy trình làm việc, những vướng mắc thực tế… để các bạn dần hoàn thiện sản phẩm.

Nguyễn Tiến Hạnh, trưởng nhóm đồ án cho biết, trong quá trình xây dựng web, các bạn gặp không ít khó khăn trong đó có công đoạn phải xây dựng dữ liệu cho trang web, tìm hiểu hệ thống pháp luật liên quan tới chăm sóc sức khỏe, bám sát các thông tư, quy định của Bộ y tế…Khối lượng công việc tương đối lớn, các thành viên trong nhóm thường xuyên phải làm việc cả đêm. Nhiều kiến thức chuyên môn chưa biết, cả nhóm phải tự mày mò, tự học, tự dạy lẫn nhau…

Chỉ sau 4 tháng, 5 sinh viên đã hoàn thiện trang web của mình để “trình làng” trước hội đồng bảo vệ. Sản phẩm được các thầy giáo trong hội đồng đánh giá là ý tưởng tốt, có tính thực tế cao.

Theo trưởng nhóm Tiến Hạnh, website không chỉ có chức năng cảnh báo dịch bệnh kịp thời, dễ sử dụng, vận hành, có chi phí rẻ mà còn giúp người sử dụng không bị lệ thuộc vào giấy tờ cũng như có khả năng lưu trữ dữ liệu lớn.

“Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ có điều kiện để phát triển website hơn nữa; xây dựng được một hệ thống tự động cảnh báo dịch dựa trên các số liệu thực tế. Nếu được sự đồng ý của các cấp cao hơn, sản phẩm sẽ có thể giúp con người sớm cảnh giác, ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm”, Tiến Hạnh cho biết.

Từ khóa: