ĐH FPT giành giải Nhất Coding Inspiration 2014
Do CLB Japanese Software – Trường Đại học FPT phát động, vòng Chung kết cuộc thi Coding Inspiration 2014 tối ngày 20/7 tại Hòa Lạc đã khép lại trong niềm hứng khởi của 4 đội tham dự. Chung cuộc, ngôi vị cao nhất cùng phần thưởng trị giá 10 triệu đồng và 3 suất học bổng có tổng trị giá 15 triệu đồng đã thuộc về đội tuyển DigDeep của Đại Học FPT.
Nhóm Thánh Thiện mang tới ứng dụng EAJ – Japanese For Beginners, một sản phẩm hỗ trợ những người mới làm quen môn tiếng Nhật.
Với chủ đề “Lập trình ứng dụng học tiếng Nhật”, Coding Inspiration 2014 kỳ vọng tạo ra một sân chơi trí tuệ để tập hợp các sinh viên Việt Nam thành một cộng đồng kỹ sư cầu nối có tiềm lực cạnh tranh cho ngành CNTT nước nhà. Phát động từ trung tuần tháng 6/2014, cuộc thi đã thu hút được 23 đội tuyển đến từ nhiều trường đại học trong khu vực Hà Nội, như: ĐH FPT, ĐH Công Nghệ- ĐH QGHN, ĐH Bách Khoa, ĐH Ngoại Thương, Học Viện Tài Chính, Học Viện Bưu Chính Viễn Thông, ĐH Công Nghiệp.
Trải qua 2 vòng thi với các tiêu chí về tính khả thi, sáng tạo và các yêu cầu về phần mềm, như: tính năng, tính tin cậy, tính khả dụng, tính hiệu quả, khả năng bảo trì, tính khả truyền, 4 sản phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn để bước tiếp vào Vòng Chung kết của Coding Inspiration 2014. Đó là các đội tuyển DigDeep (ĐH FPT), Unknown (Học Viện Tài Chính, Đại Học Công Nghệ – ĐH QGHN, ĐH FPT), Thánh Thiện (ĐH Ngoại thương và ĐH FPT), và Xlab (ĐH Bách Khoa).
Mang trong mình mục tiêu tìm kiếm những sản phẩm hỗ trợ học tập tốt nhất cho sinh viên Việt Nam, Coding Inspiration 2014 đặc biệt đề cao các sản phẩm dự thi thể hiện được “hồn cốt” của mình. Có lẽ chính vì thế, đội DigDeep đến từ Đại Học FPT đã có được sự đồng tình tuyệt đối của đội ngũ BGK và khách mời khi giành giải cao nhất của cuộc thi.
Bám sát tiêu chí hỗ trợ học tiếng Nhật hiệu quả nhất và tạo cảm hứng học tiếng Nhật cho người dùng, sản phẩm “Học Tiếng Nhật cùng Maruko” của DigDeep đã chinh phục BGK cũng như khán giả có mặt cổ vũ. Sản phẩm được phát triển trên nền tảng windows phone. Phần mềm tạo ra một người bạn ảo tên là Maruko, khi người dùng có thể nói chuyện, hỏi đáp cùng nhân vật này, chơi trò chơi hay thậm chí Maruko sẽ nhắc nhở việc học tập của người dùng. Ngoài ra, sản phẩm cũng hỗ trợ đầy đủ các bài học, bài kiểm tra, bộ chữ Hán… Tất cả đều được tham khảo từ những bộ dữ liệu lớn và hoàn thiện.
Các thành viên đội tuyển Xlab của Đại học Bách Khoa trình bầy sản phẩm của mình. Sản phẩm của các bạn đã mang tới một ứng dụng học tiếng Nhật hiệu quả.
Đội Xlab của Đại học Bách Khoa mang đến vòng Chung kết cuộc thi phần mềm Xkanji phát triển trên hai nền tảng Android và Windows Phone. Sản phẩm này phục vụ khả năng học chữ Kanji trong tiếng Nhật, với những chức năng nổi bật như nhận biết hình ảnh, nhận biết chữ viết bằng tay, tra cứu, học từ vựng… Đặc biệt, với chức năng nhận biết hỉnh ảnh, người dùng chỉ cần chụp ảnh một dòng chữ Kanji, phần mềm sẽ nhận biết, hiển thị nghĩa của từng chữ trong đó lên phần mềm. Chức năng độc đáo và nổi bật này đã mang về giải Nhì cho các thành viên của đội Đại học Bách Khoa. Giải Ba thuộc về đội liên quân Thánh Thiện gồm các thành viên đến từ Đại học Ngoại Thương và Đại học FPT.
Từ khóa: