Đại học FPT chi tiền tỷ mỗi năm để mua giáo trình
Trường chi 2-3 tỷ mỗi năm nhập giáo trình quốc tế nguyên bản từ nước ngoài để giáo viên và sinh viên học tập, nghiên cứu.
Tiến sĩ Trương Công Duẩn, Trưởng Ban phát triển chương trình Đại học FPT cho biết, ngay từ ngày đầu thành lập, trường đã quyết định dùng giáo trình ngoại nhập để giảng dạy trong tất cả các chương trình đào tạo đại học.
Theo đó, 100% giáo trình của trường (trừ một số môn bắt buộc sử dụng giáo trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhập từ nước ngoài, có bản quyền của các nhà xuất bản nổi tiếng như McGraw Hill, Pearson, Cengage, Jones and Bartlett Learning,…
Số giáo trình này nhập nguyên bản, tất cả sinh viên được phát một bộ sách theo học kỳ, theo môn đăng ký học (trường cho mượn miễn phí). Cũng theo ông Duẩn, giáo trình cập nhật khoảng 2-3 năm một lần, tùy theo mục tiêu chương trình học trường sẽ đổi sách phù hợp hoặc cập nhật sách tái bản.
Giáo trình quốc tế này được lựa chọn dựa trên nhiều tiêu chí. Đầu tiên là đáp ứng mục tiêu môn học, tiếp đó là giáo trình viết theo lối “kiến tạo”, gợi mở giúp người học chủ động tham gia tích cực việc xây dựng, mở rộng, tiếp thu những kiến thức mới trên cơ sở những tri thức đã có. Giáo trình được nhiều trường nổi tiếng trên thế giới sử dụng và tái bản nhiều lần…
Bên cạnh đó, FPT chú trọng yếu tố gắn liền nhu cầu doanh nghiệp, kiến thức gắn liền thực tiễn. Tiêu chí này được các chuyên gia hàng đầu từ các công ty thành viên và đối tác của Tập đoàn FPT tư vấn và xây dựng chương trình.
Mỗi giáo trình đều do các giảng viên, chuyên gia thuộc lĩnh vực liên quan hoặc đến từ doanh nghiệp như FPT Software, Tinh Vân, Misa, Hiệp hội phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam… đánh giá, lựa chọn.
Để dạy theo giáo trình này, giảng viên Đại học FPT phải tham gia tập huấn khóa IBSTPI (International Board of Standards for Training, Perfomance and Instruction). Khóa học đào tạo các kỹ năng giảng dạy cho giảng viên theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều bộ giáo trình được chuyên gia của nhà xuất bản giảng dạy, hoặc do doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ (như phần mềm có sử dụng trong môn học) thì trường đào tạo giảng viên cách thức triển khai.
Ông Duẩn chia sẻ, theo học chương trình này, sinh viên của trường sẽ dễ dàng hơn khi giao lưu cùng bạn bè quốc tế trong chương trình trao đổi học thuật, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn cho khu vực cũng như thế giới.
Lê Anh Khoa – cựu sinh viên Đại học FPT cho biết, giáo trình giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh, phiên bản cũng cập nhật thường xuyên. Vì vậy, sinh viên có khả năng nắm bắt kiến thức, có thể sử dụng ngay trong thực tế.
Với cựu sinh viên Nguyễn Ngọc Lam Nhu, khi qua Mỹ du học, cô làm quen với những bài quizzes, tests, assignments, presentations cùng mô hình học theo Block đòi hỏi sinh viên phải hoạt động hết công suất. Chính việc học theo giáo trình quốc tế trước đó của Đại học FPT đã giúp cô nhanh chóng thích nghi.
Năm 2017, Đại học FPT tuyển sinh 3200 chỉ tiêu cho các ngành Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Thiết kế đồ họa, Quản trị khách sạn, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Tài chính ngân hàng, Toán học, Truyền thông đa phương tiện, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn, Kiến trúc.
Bạn có thể liên hệ tại đây để được trường Đại học FPT tư vấn trực tiếp!
Theo Vnexpress
Từ khóa: