Cựu sinh ĐH FPT chia sẻ 2 cách làm đẹp hồ sơ xin việc cho sinh viên IT

20/09/2023 Nguyễn Thị Hồng Yến

Sinh viên ngành công nghệ thông tin có thể đóng góp vào các phần mềm mã nguồn mở (open source); tham gia các dự án giả định… để tăng kinh nghiệm khi làm hồ sơ xin việc.

Theo anh Nguyễn Sơn Tùng – Phó giám đốc mảng công nghệ chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế và khoa học đời sống thị trường Bắc Mỹ của FPT Software, khi ứng tuyển vào các công ty công nghệ, sinh viên IT cần có hồ sơ ghi lại danh sách các dự án đã tham gia. Tại Mỹ, ứng viên thường làm việc này rất tốt, trong đó bao gồm tên, mô tả và liên kết dẫn đến dự án xây dựng website hay đóng góp cho dự án phần mềm mở nào đó.

cuu sinh vien dh fpt
Nguyễn Sơn Tùng – Phó giám đốc mảng công nghệ chăm sóc sức khỏe, thiết bị y tế và khoa học đời sống (Department Head of Healthcare and Life science transformation) thị trường Bắc Mỹ của FPT Software. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Khi chưa tham gia vào bất kỳ doanh nghiệp nào trước đó, các bạn trẻ vẫn có thể xây dựng danh sách này nhờ open source. Đây là những phần mềm source code cho phép người dùng tải về để sử dụng, sửa đổi hoặc thêm một số cập nhật một số tính năng.

Hiện tại, thị trường có rất nhiều dự án open source như vậy. Ví dụ, AI là ngành thịnh hành hiện nay. Các chuyên gia hay người dùng đều nhắc đến thuật toán nhận diện khuôn mặt. Tất cả các thuật toán đó đều là open source. Trước khi các đơn vị sản xuất đưa vào sử dụng, một lập trình viên đã viết ra và đăng công khai trên phần mềm mở.

Khi nhu cầu sử dụng cao, các kỹ sư sẽ đi tìm giải pháp có sẵn. Trong lúc sử dụng thuật toán và thấy có thể cải tiến tốt hơn, lập trình viên có thể sửa đổi và gửi yêu cầu để phần mềm mở này cập nhật. Càng ngày, thuật toán sẵn có trên open source sẽ càng tốt hơn.

“Các bạn có thể tham gia các dự án mã nguồn mở như vậy. Đó là cách tốt nhất để nhà tuyển dụng thấy kỹ năng, chuyên môn. Điều này cũng cho thấy từ thời sinh viên, các bạn đã chủ động làm dự án, có ích hơn rất nhiều so với các câu hỏi chuyên môn thông thường”, anh nói thêm.

Ngoài các open source, Sơn Tùng cũng khuyến khích sinh viên tham gia các dự án giả định (mock project) tại trường đại học. Anh tốt nghiệp khóa 4 chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm (Software Engineering), Trường Đại học FPT. Tại đây, nam kỹ sư thường xuyên cọ sát với các bài toán thực tế.

Anh chia sẻ, đa phần các giảng viên Trường Đại học FPT đều là kỹ sư làm việc trực tiếp tại các công ty công nghệ hoặc có doanh nghiệp riêng. Do đó, bài tập trong suốt quá trình học đều là bài toán từ thực tế, thực hành dựa trên các dự án của doanh nghiệp.

Đến năm thứ ba, anh tiếp tục thực tập theo chương trình của trường và được tiếp cận, làm việc trực tiếp các dự án thực của Tập đoàn FPT.

cuu sinh vien dh fpt 1
Anh Sơn Tùng tại RSA Conference (Mỹ). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, Sơn Tùng khẳng định, để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động ngày càng khắc nghiệt, kỹ năng chuyên môn là chưa đủ. Sinh viên cần trau dồi ngoại ngữ để thích nghi với mọi môi trường làm việc, tiếp cận với nhiều nguồn học liệu, kiến thức trên toàn cầu.

Thời điểm thực tập, anh đã tranh thủ học và hoàn thành chứng chỉ N3 tiếng Nhật. Theo đó, nam kỹ sư có thể sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Nhật. Anh cũng dự định học thêm tiếng Trung để mở rộng kiến thức, cơ hội và mối quan hệ trong công việc.

Song song, anh Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng mềm trong quá trình làm việc. Theo đó, khi tuyển dụng nhân sự, anh ưu tiên các ứng viên có kỹ năng giao tiếp tốt.

“Với các bạn mới, từ kiến thức chuyên môn xây dựng từ trường lớp, việc đào tạo không khó. Vì vậy, trong nhiều ứng viên, tôi đánh giá cao các bạn có thể truyền đạt mình muốn gì ở vị trí công việc và công ty”, anh nói thêm.

Nam kỹ sư sinh năm 1990 kể lại, Trường Đại học FPT dùng giáo trình quốc tế song song với phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm bài bản, từ đó, sinh viên không có quá nhiều khoảng cách giữa môi trường làm việc và học tập.

Theo anh, điểm khác biệt giữa sinh viên Trường Đại học FPT và một số trường khác là được thuyết trình nhiều lần trong từng môn và hầu hết phải làm việc nhóm. Điều này giúp ích cho công việc sau này rất nhiều.

Hiện, phó giám đốc 9x thường xuyên phải giao tiếp, trình bày, cung cấp thông tin của công ty, sản phẩm tới khách hàng. Ngoài ra, mỗi khi khách hàng đặt ra câu hỏi và cần biết điều gì về FPT Software, anh đều phải làm bản trình bày ý tưởng (proposal) và truyền tải cho đối tác về việc công ty có thể làm gì. Như vậy, quá trình học tập tại Trường Đại học FPT đã giúp anh tích lũy kỹ năng làm hình ảnh trực quan, thuyết trình và thuyết phục đối phương.

“Ngôn ngữ là công cụ. Giao tiếp là kỹ năng. Có nhiều người ngoại ngữ không giỏi nhưng giao tiếp tốt, vẫn thể hiện được quan điểm của bản thân, làm cho đối phương hiểu, trao đổi đúng mục tiêu, trọng tâm”, anh Tùng phân tích.

cuu sinh vien dh fpt 2
Anh Tùng tham gia Giga Run của FPT Software. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhờ quá trình tích lũy kiến thức, kỹ năng tại Trường Đại học FPT, sau khi ra trường, Sơn Tùng đầu quân vào FPT Software. Trong hành trình thăng tiến, anh cho biết, bản thân chưa từng cần trải qua một buổi phỏng vấn chính thống nào.

Thay vào đó, khi làm việc, với năng lực chuyên môn và kỹ năng giao tiếp tốt, nam kỹ sư sẵn sàng thể hiện giá trị riêng, năng lực và mong muốn của bản thân. Mỗi khi cần người cho vị trí mới, lãnh đạo sẽ nhớ đến anh và đánh giá phù hợp hay không. Khi đó, anh cũng chia sẻ thẳng thắn bản thân muốn gì, làm được gì cho vị trí đó, còn thiếu gì và cần thêm khía cạnh nào.

Từ trải nghiệm của bản thân, Sơn Tùng khuyên các bạn trẻ nên chủ động tìm hiểu, học hỏi những điều mới ngay từ những ngày đầu học tập tại trường đại học. Tiềm năng của ngành ngày càng lớn, IT hiện diện trong mọi lĩnh vực, giúp tăng năng suất, giảm chi phí. Theo đó, cơ hội cho người trẻ tìm kiếm công việc phù hợp rất cao.

“Ở giai đoạn hiện tại, mọi người thường đặt ra câu hỏi nhân lực IT còn chỗ đứng không khi AI ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đó cũng là công cụ để nhân sự tăng năng suất cho chính công việc của ngành IT, giảm chi phí cho rất nhiều công việc, đa lĩnh vực”, cựu sinh viên Trường Đại học FPT nói thêm.