Chuyện chưa biết về ngành quản trị khách sạn

28/04/2018 Phạm Thị Phương

Quản trị khách sạn là một ngành được các bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên đằng sau những lời giới thiệu đầy hoa mỹ về nghề nghiệp tương lai, không ít bạn trẻ đã không khỏi thất vọng khi tiếp xúc trực tiếp với nghề mà họ đã chọn.

Ngành Quản trị khách sạn vài năm trở lại đây được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và lựa chọn trong các đợt xét tuyển ĐH-CĐ gần đây. Ngành du lịch tại Việt Nam ngày càng phát triển với hàng loạt khách sạn, resort cao cấp, đẳng cấp 4, 5 sao ra đời, nhu cầu nhân lực ngành này cũng tăng theo là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, đằng sau đó còn nhiều vấn đề khác mà các bạn học sinh THPT chưa bao giờ biết tới.

Những câu chuyện chưa kể

Hầu hết, các bạn học sinh, sinh viên đều mong muốn sau khi ra trường sẽ được mặc những bộ đồng phục đẹp, thể hiện tác phong chuyên nghiệp, được tiếp đón những vị khách quốc tế, sang trọng… nhưng không phải ai cũng được như vậy. Nhiều bạn đã phải “vỡ mộng” khi làm việc thực tế.

Thanh Thúy – sinh viên vừa tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn bày tỏ: “Không chỉ riêng mình, nhiều bạn học ngành này đều mơ ước sẽ trở thành người quản lý những khách sạn cao cấp nhưng thực tế thì không giống như vậy”. Hầu hết sinh viên mới ra trường chỉ được làm những công việc hết cơ bản như phục vụ phòng, tiếp tân,… ít có cơ hội được vào những vị trí quản lý vì còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn.

Những bạn sinh viên khác may mắn hơn khi có được cơ hội làm việc ở những môi trường nước ngoài lại bị cú sốc về văn hóa doanh nghiệp và gặp trở ngại lớn về việc giao tiếp bằng ngoại ngữ. Cao Ngọc Loan, lễ tân tại một khách sạn 3 sao ở Quận 1, TP.HCM tâm sự: “Ở trường chủ yếu học bằng tiếng Việt, tiếng Anh cũng học vừa đủ điều kiện để tốt nghiệp. Đến khi làm việc ở khách sạn lớn đẳng cấp mới nhận ra thiếu sót của mình. Vì ngoại ngữ chưa tốt mà mình đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tốt để thăng tiến”.

Vì vậy nếu những bạn sinh viên không chú trọng những kỹ năng cơ bản như nghiệp vũ lễ tân, buồng,… được đào tạo trong quá trình học đại học sẽ cảm thấy rất lúng túng và hụt hẫng. Hiện tại, ngoài kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ là một rào cản lớn đối với các bạn sinh viên ngành này.

Định hướng đúng, kỹ năng đủ

Theo khảo sát của JobStreet, yêu cầu về tiếng Anh và nghiệp vụ là hai yêu cầu bắt buộc trong tuyển dụng nhân sự ngành nhà hàng – khách sạn. Nhìn lại con số sinh viên thất nghiệp những năm qua, nhóm ngành nhà hàng – khách sạn nằm trong nhóm có tỷ lệ cao sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc phải chấp nhận làm các công việc thấp hơn trình độ, trái chuyên môn (Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM).

Vì vậy sinh viên cần bổ sung đầy đủ các kiến thức chuyên ngành, từ những nghiệp vụ nhỏ nhất đến kỹ năng quản lý lớn hơn như: nghiệp vụ lễ tân, buồng, ăn uống, giám sát, nghiệp vụ lưu trú, quản trị hội nghị, hội thảo,… Bởi không có một kiến thức nào trong quá trình đào tạo là dư thừa và hơn hết để trở thành một người quản lý giỏi, bạn phải thật sự có kinh nghiệm và kiến thức ở tất cả các lĩnh vực liên quan.

Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ là một yếu tố quan trọng nhưng thường không được đặt nặng đúng mức. Theo ông Lê Bình Trung – Trưởng ban Tuyển sinh trường Đại học FPT đúc kết: “Ngoại ngữ tốt không chỉ giúp các bạn dễ dàng tìm được một công việc như mong muốn, có khả năng xử lý công việc tốt hơn mà khả năng thăng tiến trong công việc cũng sẽ cao hơn. Tiếng Anh không còn là điều kiện ưu tiên mà đã trở thành điều kiện bắt buộc, thông thạo hai ngoại ngữ trở lên mới là điều kiện ưu tiên. Tại Đại học FPT, sinh viên sẽ thực tập thực tế tại Nhật hoặc Malaysia. Đây là cơ hội tuyệt vời để các bạn sinh viên có những trải nghiệm mới và học thêm kinh nghiệm tại môi trường quốc tế”.

Kỹ năng mềm cũng là một yếu tố quan trọng. “Sinh viên cần được rèn luyện tối đa về kỹ năng giao tiếp, quan sát, tổ chức sắp xếp, xử lý nhanh trong mọi tình huống. Đây là một yếu tố sinh viên cần đặc biệt chú trọng” – ông Trung lưu ý.

Và hơn hết, để có được tất cả những yếu tố trên, việc đầu tiên các bạn học sinh lớp 12 cần làm khi muốn theo đuổi đam mê của mình là lựa chọn một trường đào tạo tốt, có thể cung cấp đầy đủ những kiến thức cần thiết.

Năm 2018, Đại học FPT tuyển sinh các ngành: Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành (dự kiến), Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Hàn Quốc (dự kiến), Ngôn ngữ Trung Quốc (dự kiến), Quản trị kinh doanh; Kinh doanh quốc tế, Kỹ thuật phần mềm, An toàn thông tin, Khoa học máy tính, Truyền thông đa phương tiện, Thiết kế đồ hoạ.

> Tham gia Kỳ thi sơ tuyển đợt 1 của ĐH FPT diễn ra vào ngày 13/5.

Theo GIÁO DỤC TP.HCM ONLINE

Từ khóa: