Chảo lửa Debate: “Đặc sản” của sinh viên Đại học FPT trong kỳ học tiếng Anh.

07/07/2020 Nguyễn Thị Hồng Yến

Được đứng lên trình bày quan điểm, thuyết phục khán giả, tranh luận với đối thủ… chính là những hoạt động thú vị của một “trận debate” mà các sinh viên trường F đang được trải nghiệm đấy.

Sinh viên trường F, đặc biệt là các bạn K15 đang cực kì hào hứng với một hoạt động học tập mới tại Little UK mang tên: Debate. Hoạt động này đã đem đến một sự thay đổi lớn về cách học Tiếng Anh tại đại học FPT, khiến cho các Cóc vô cùng thích thú và ngày càng tích cực hơn.

Debate là việc tranh biện về một chủ đề bất kỳ giữa hai đội có ý kiến đối lập: Đội Affirmative (ủng hộ) và Đội Negative (phản đối). Debate không chỉ dừng lại ở trong một lớp, mà còn là “trận chiến” giữa các lớp đối với nhau, khiến cho các thành viên trong một đội phải cố gắng hết sức để mang vinh quang về cho lớp mình.

Môi trường rèn luyện kỹ năng toàn diện cho sinh viên ĐH FPT

Qua một cuộc debate, các bạn sẽ nâng cao được nhiều kĩ năng như:

  1. Cách nhìn nhận vấn đề đa chiều, sâu sắc, tư duy phản biện (Hay còn gọi là Critical Thinking – một kĩ năng quan trọng mà Little UK muốn đem lại cho các bạn sinh viên).
  2. Kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm, thích nghi, tự giác trong việc hỗ trợ đồng đội của mình để chuẩn bị thật tốt trước mỗi buổi debate.
  3. Kỹ năng nghiên cứu thông tin được cải thiện đáng kể. Lựa chọn thông tin chính xác từ các nguồn tin cậy, nâng cao vốn từ vựng tiếng Anh và liên kết thông tin lại với nhau.
  4. Kỹ năng thuyết trình, nói trước đám đông một cách tự tin, thuần thục, lập luận sắc bén và thuyết phục khán giả bằng tiếng Anh.

Một trận chiến debate diễn ra như thế nào?

Có thể nói, Debate chính là một “đặc sản” tại LUK. Vậy, “trận chiến” thường diễn ra như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé.

  1. Thuyết trình (Presentation):

Mỗi đội sẽ có 3 speakers để trình bày những luận điểm, luận cứ để củng cố ý kiến của mình. Thứ tự lần lượt bắt đầu bằng speaker 1 của đội Affirmative và kết thúc bằng speaker 3 của đội Negative. Đây là vòng đấu quan trọng vì tất cả những thông tin mà mỗi đội đưa ra đều có ảnh hưởng đến vòng đấu sau, nên các speaker phải có một thái độ tự tin để thu hút khán giả, trình bày cẩn thận, rõ ràng để khán giả hiểu và nội dung đầy đủ, chính xác với những dẫn chứng minh bạch để không bị bắt lỗi sau này nhé.

Bạn Nguyễn Hoàng Chiến – Sinh viên K15 Ngành Kỹ Thuật Phần Mềm chia sẻ: “Lớp mình đã thắng ba trận liên tiếp nên mình rất vui, mình được làm speaker, Q&A và cả Research rồi, làm cái gì cũng có cái mệt và vui khác nhau hết. Debate của LUK đã cho tụi mình những trải nghiệm chưa từng có trước đây, mình thực sự mong chờ những lần debate như thế này. Hơn nữa, nhờ có debate mà lớp mình gắn kết với nhau nhiều hơn, học xong level 4 là không muốn xa nhau nữa luôn. Ước sao cho hai levels còn lại vẫn tiếp tục được đồng hành cùng nhau.”

  1. Hỏi đáp (Question & Answer):

Đây có lẽ là vòng đấu căng thẳng và hấp dẫn nhất. Các audiences sẽ được nghe những màn tranh luận cực gắt, cực thuyết phục và cực sáng tạo. Mỗi đội sẽ đặt câu hỏi cho đối thủ của mình để khiến cho đối thủ “bó tay” không có câu trả lời. Để có được những câu trả lời thuyết phục, các đội đã phải ngày đêm nghiên cứu tài liệu, tìm dẫn chứng (evidence) để “vắt óc” nghĩ xem đội đối phương sẽ hỏi mình điều gì, dẫn chứng nào là phù hợp. Ngoài ra còn phải đưa ra những câu hỏi mới lạ, hấp dẫn khiến cho audiences lẫn host phải vỗ tay ào ào. Xong một trận debate chắc là hao tốn nhiều chất xám lắm đấy.

Không phải “chiến” với mỗi đối thủ đâu nhé, còn cả giám khảo, host, và cả…khán giả nữa. Những đối tượng này luôn đưa ra những câu hỏi “oái ăm” khiến cho cả hai đội vò đầu bứt tóc đấy, nhưng nhờ thế mà đầu óc của các debater càng ngày càng nhanh nhạy, thông minh hơn và cực kì sáng tạo luôn đấy.

Bạn Cao Thị Thùy Ngân – K15 ngành Kinh doanh Quốc tế cho biết: “Mỗi lần nghe câu hỏi là phải hóng cả tai để nghe thật chính xác, trả lời mới không bị lan man. Sợ nhất là các bạn yêu cầu cho xem dẫn chứng, vì có khi mình chả có dẫn chứng trong tay, phải nhanh chóng lên mạng search lấy search để, nghĩ lại thì vừa căng thẳng mà lại vừa buồn cười.”

  1. Kết luận (Conclusion):

Đây là phần củng cố lại quan điểm một lần nữa, thuyết phục khán giả lần cuối để bầu chọn cho đội mình. Speaker ở phần này cần có giọng điệu hùng hồn, thần thái miễn chê để có thể gây được sự chú ý lớn nhất về phía mình và “kết bài” thật đẹp và trọn vẹn đấy.

Chỉ bấy nhiêu đó thôi đã có thể thấy sức nóng của “chiến trường khốc liệt” mang tên Debate tại Little UK đúng không nào? Tuy nhiên, qua mỗi trận debate, các bạn đều học thêm được nhiều kiến thức, nhiều kĩ năng mới vô cùng hữu ích tương lai đấy.

Quỳnh Trâm

Từ khóa: