Bỏ túi kinh nghiệm OJT cùng sinh viên Đại học FPT
Trong tuần qua, từ ngày 21 đến ngày 25/04/2020, Phòng Công tác sinh viên Đại học FPT Hà Nội đã tổ chức series chương trình “Orientation and Coaching for summer 2020 OJT Students”. Chương trình đã thu hút sự tham gia của gần 150 sinh viên các chuyên ngành nhằm chia sẻ những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích trước kỳ thực tập tại doanh nghiệp (On the job training – OJT)
Khác với chương trình “Orientation and Coaching” của các kỳ trước, học kỳ Summer 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, Ban tổ chức đã linh động, tổ chức chương trình theo hình thức Online qua Google Meet nhằm đảm bảo trang bị các kinh nghiệm cần có cho sinh viên trước kỳ OJT.
Tổ chức “Orientation and Coaching for summer 2020 OJT Students” Online qua Google Meet
Tham gia chương trình lần này, với mỗi khối ngành đều có các vị khách mời đặc biệt và hầu hết đều là các cựu sinh viên thành đạt của FPTU:
Anh Mai Anh Bảo – Cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh – hiện đang là tiếp viên hàng không hãng Vietjet Air; Chị Trịnh Thanh Hà – Cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh – hiện đang là Business Analyst tại Nashtech Việt Nam; Chị Trần Thị Như Ngọc- Cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh – hiện đang là chuyên gia tại Viettel Pay, Viettel; Chị Nguyễn Thị Huệ – Phó ban Truyền thông Tập đoàn Công nghệ CMC; Bạn Nguyễn Hạnh Dung – Cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ hoa – hiện đang là UX/UI Designer của FPT Software; và bạn Trần Thị Huyền Trang – Cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật – hiện đang là Back Office tại công ty Otani U.P.
Trong chương trình, các bạn sinh viên có cơ hội được chia sẻ những băn khoăn, lo lắng trước giai đoạn thực tập sắp tới như: cách viết CV làm sao cho ấn tượng, nhà tuyển dụng quan tâm điều gì nhất ở một thực tập sinh để tuyển dụng, nên ăn mặc như thế nào cho phù hợp trong buổi phỏng vấn, nên lựa chọn công ty như thế nào để thực tập, có nên đề cập về lương trong buổi phỏng vấn hay không, khi gặp các câu hỏi tình huống khó giải quyết thì phải làm sao, hay làm thế nào để hòa nhập cùng văn hóa công ty,….Tất cả đều được các diễn giả lắng nghe, trao đổi, chia sẻ từng vấn đề từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, qua đó giúp các bạn sinh viên tháo gỡ những “nút thắt”.
Có hai lỗi mà sinh viên thường gặp trước và trong khi đi OJT là viết CV tràn lan và thái độ làm việc chưa thực sự tốt. Đó là chia sẻ của Mai Anh Bảo – Cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Đồng thời, Anh Bảo cũng nhấn mạnh: “Trong quá trình đi OJT, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá đến thái độ của chúng ta nhiều hơn cả, chúng ta sẽ cần học các kiềm chế, dung hòa cảm xúc”.
Với câu hỏi “Nhà tuyển dụng sẽ quan tâm điều gì nhất ở một thực tập sinh để tuyển dụng?” Trịnh Thanh Hà – Cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh chia sẻ: “Đầu tiên mình phải tự thuyết phục mình yêu thích vị trí cũng như công ty mình phỏng vấn thì mình mới thuyết phục được nhà tuyển dụng thích mình; tiếp đến nhà tuyển dụng sẽ quan tâm bạn mong muốn gì từ vị trí thực tập đó xem có phù hợp với mục đích tuyển dụng của họ không; cuối cùng mới là quan tâm tới các kinh nghiệm, là thực tập sinh chưa có kinh nghiệm thì sẽ là kỹ năng của bạn”. Thanh Hà cũng bỏ túi cho các bạn sinh viên khối kinh tế kinh nghiệm thực tế của bản thân: “Đi OJT là cơ hội làm việc trong môi trường thực tế, làm việc với nhiều tính cách khác nhau, chúng ta phải biết điều tiết các mối quan hệ”
Trước băn khoăn của các bạn sinh viên Truyền thông đa phương tiện về việc nên lựa chọn một công ty start up hay một tập đoàn lớn để thực tập, Trần Thị Như Ngọc – Cựu sinh viên ngành Quản trị kinh doanh đã phân tích các mặt tích cực cũng như hạn chế cho mỗi lựa chọn, xong chị cũng nhấn mạnh và kết luận rằng: “Việc lựa chọn công ty để đi thực tập phụ thuộc vào mong muốn và kinh nghiệm của bản thân”. Chia sẻ về quá trình đi OJT của bản thân, Ngọc có nói trong quá trình OJT, công ty lúc đó có dự án cần đi nước ngoài để làm việc, có lẽ khi ấy còn là thực tập sinh chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức nên Ngọc xin đi nhưng không được chấp nhận. Song, sau lần đó cùng với thái độ tích cực làm các công việc được giao, Ngọc đã được sếp gọi lên và tăng lương. Vì vậy, Ngọc đã rút ra một bài học và chia sẻ với các bạn sinh viên: “Mình nghĩ quan trọng nhất khi đi thực tập, kể cả là sau này ra trường đi làm đó là không ngại dấn thân và thử sức. Nếu mình không sợ khó, không sợ khổ thì lãnh đạo sẽ có cái nhìn rất tích cực về bạn”
Với những lo lắng của sinh viên về việc nếu gặp các câu hỏi về tình huống khó trả lời từ nhà tuyển dụng, chị Nguyễn Thị Huệ – Phó ban Truyền thông Tập đoàn Công nghệ CMC đã đưa ra lời khuyên: “Khi gặp câu hỏi khó từ nhà tuyển dụng, chúng ta nên biết cách kéo họ về hòn đảo an toàn của ta bằng những câu hỏi khéo léo ngược lại”
Chia sẻ với sinh viên Thiết kế đồ họa về việc có nên đề cập về lương trong buổi phỏng vấn hay không, Nguyễn Hạnh Dung – Cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ hoa nói “chúng ta nên làm rõ việc có hay không có hỗ trợ lương ngay từ đầu” nhưng Hạnh Dung đặc biệt nhấn mạnh: “Nếu công ty không hỗ trợ lương cho thực tập sinh thì chúng ta vẫn nên vui vẻ làm việc vì không có tiền nhưng chúng ta sẽ học thêm nhiều kinh nghiệm thực tế”
Từ kinh nghiệm OJT thực tế của mình trước kia, Trần Thị Huyền Trang – Cựu sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật chia sẻ: “Đi làm, nếu chúng ta có lỗi thì không nên che giấu, cần chia sẻ để mọi người cùng nhau giải quyết”
Trong các buổi Orientation and Coaching cho tất cả các chuyên ngành, chị Phạm Tuyết Hạnh Hà – Trưởng phòng Công tác sinh viên đều không quên nhấn mạnh với các bạn sinh viên rằng: “Trước kỳ OJT chúng ta cần chuẩn bị một CV ngắn gọn, xúc tích; một tinh thần thoải mái, tự tin cho buổi phỏng vấn”
Tất cả đều là những chia sẻ bổ ích, quý giá từ các vị khách mời. Hy vọng rằng, với series định hướng này các bạn sinh viên đã có thể bỏ túi cho mình những hành trang thật tốt để bước vào đợt OJT học kỳ Summer 2020 thật thành công.
Mỹ Ly
Từ khóa: