Nhiều cung bậc cảm xúc trong buổi giao lưu âm nhạc Việt Nam – Hàn Quốc
Thu hút gần 200 sinh viên tham dự trực tiếp, buổi giao lưu văn hóa nhạc cụ truyền thống Việt Nam – Hàn Quốc có gì hấp dẫn và đặc biệt cùng tìm hiểu nhé!
Hàn Quốc và Việt Nam, hai quốc gia với nền văn hóa nghệ thuật đều vô cùng đa dạng và phong phú. Song nhằm tiếp tục khẳng định sự gắn kết văn hóa giữa hai nước, một workshop giao lưu nhạc cụ dân tộc truyền thống đã được tổ chức tại trường Đại học FPT HCM vào ngày 29/11/2023 vừa qua nhằm tạo cơ hội cho các nghệ sĩ cùng với những sinh viên, giảng viên có niềm yêu thích, quan tâm, khám phá và trải nghiệm những âm điệu độc đáo truyền thống của cả hai nền văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam.
Buổi giao lưu với sự góp mặt của 20 nghệ sĩ Hàn Quốc nổi tiếng trong đó có cô Na Hye Kyoung – người chỉ đạo chương trình của Đoàn nghệ thuật truyền thống Deobureo Sup (từ năm 2014) – Trưởng nhóm nhạc Nabiya (từ năm 2021) – Thành viên ban chỉ đạo Đoàn nghệ thuật âm nhạc truyền thống thanh thiếu niên tỉnh Chungbuk (từ năm 2012) – Giảng viên trường PTTH nghệ thuật Chungbuk (từ năm 2017) – Đồng thời cô còn là Trưởng ban giao lưu quốc tế Liên đoàn nghệ thuật Chungbuk (từ năm 2018).
Đại diện từ phía trường Đại học FPT có Cô Vũ Thị Kim Yến – Chủ nhiệm bộ môn Nhạc cụ truyền thống, cô Kiều Thị Thu Chung – Chủ nhiệm bộ môn Kỹ năng mềm. Phía Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh có Tiến sĩ Lê Hoài Phương – Giảng viên khoa Âm nhạc truyền thống.
Mở đầu buổi workshop với tiết mục mashup “Qua cầu gió bay” và “Đế vương” tiết mục được trình diễn trên các nhạc cụ dân tộc truyền thống qua phần biểu diễn của các bạn sinh viên cùng giảng viên trường Đại học FPT. HCM, bản mashup mới lạ mang đậm bản sắc dân tộc. Nét truyền thống đan xen hiện đại được truyền tải qua từng âm điệu làm sống dậy cả một mảng trời văn hoá rất là Việt Nam.
Qua tiết mục, cô Vũ Thị Kim Yến chia sẻ: “Bản thân là một người hâm mộ điện ảnh Hàn Quốc, và thông qua điện ảnh tôi đã ấn tượng sâu sắc về âm hưởng và nhạc cụ nơi đây, đặc biệt âm nhạc truyền thống là hình ảnh rất đẹp trong lòng tôi chính vì thế mà tôi vô cùng yêu thích văn hóa nhạc cụ truyền thống tại Hàn Quốc.” Tự hào chia sẻ thêm cô Kim Yến cho biết tiết mục trình diễn mở đầu là do chính phần lớn các bạn sinh viên trường Đại học FPT trình diễn cùng với sự hỗ trợ của một số thầy cô bộ môn nhạc cụ dân tộc tại trường. Các bạn đến từ những chuyên ngành học khác nhau và được học tập bộ môn nhạc cụ truyền thống như một kỹ năng mềm trong giáo trình đào tạo tại trường. Và cô cũng cam kết rằng toàn bộ sinh viên đều sẽ được trải nghiệm quá trình học tập và rèn luyện một trong những loại nhạc cụ dân tộc truyền thống này tại trường Đại học FPT.
Buổi workshop diễn ra sau đó với những tiết mục vô cùng độc đáo và thú vị đến từ Đoàn nghệ thuật truyền thống Deobureo Sup. Qua từng tiết mục biểu diễn các bạn khán giả dần được hiểu nhiều hơn về văn hóa truyền thống cũng như nguồn gốc lịch sử của các loại nhạc cụ của xứ sở Kim chi qua từng giai đoạn thời gian, từng tầng giai cấp xã hội thời đại phong kiến Hàn Quốc xưa.
Trong buổi giao lưu, các bộ nhạc cụ được giới thiệu sâu sắc hơn về những điểm tương đồng và cách điệu sau quá trình giao thoa văn hóa. Đan xen vào đó là những câu chuyện lịch sử, những tiết mục độc tấu cùng những màn giao lưu tương tác từ các nhạc công về loại nhạc cụ truyền thống Hàn Quốc như: Sáo Phiri, Sáo Daegeum, Sáo Sogeum, Đàn Haegeum, Đàn Ajaeng, Đàn Gayageum, Đàn Geomungo, trống Janggu… Đã đêm lại một trải nghiệm đầy thú vị trong buổi workshop lần này.
Kết thúc chương trình, tiết mục hòa tấu kết hợp giữa hai nền văn hóa âm hưởng Việt – Hàn đã mang đến một trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời, khẳng định sự đẹp đẽ và tinh túy của cả hai nền văn hóa. Từ những âm điệu truyền thống của tiếng sáo, tiếng đàn Việt Nam đến âm thanh độc đáo của gayageum và đàn tranh Hàn Quốc, tiết mục này đã tạo ra một sự kết hợp tuyệt vời giữa hai quốc gia. Tiết mục không chỉ là một sự hòa quyện của âm thanh mà còn là một cuộc hội ngộ của tình yêu và tôn trọng. Nó thể hiện sự đa dạng và sự kết nối giữa các nền văn hóa, tạo ra một môi trường thân thiện và tạo cảm hứng cho việc truyền bá và bảo tồn những giá trị truyền thống.
Bên cạnh việc tạo ra một trải nghiệm âm nhạc đáng nhớ, workshop cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Các nghệ sĩ đã chia sẻ về giá trị và ý nghĩa của nhạc cụ dân tộc trong việc bảo tồn và truyền bá văn hóa của mỗi quốc gia. Workshop giao lưu văn hóa nhạc cụ dân tộc giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã tạo ra một không gian giao thoa văn hóa và tạo cơ hội cho sự gắn kết từ đây xây ý thức lan toả, gìn giữ và phát huy văn hoá dân tộc Việt. Đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ để tiếp tục nghiên cứu và phát triển âm nhạc truyền thống quốc gia.
Hữu Bằng – Nhật Huy