cuu sinh vien dh fpt chia se kinh nghiem tu hoc cho tan sinh vien 2

Kỹ sư AI trẻ chia sẻ 3 cách tự học cho tân sinh viên

21/08/2023 Nguyễn Thị Hồng Yến

(Dân trí) – Nguyễn Thế Nam – Kỹ sư AI (trí tuệ nhân tạo) – chia sẻ nền tảng đào tạo từ Trường Đại học FPT đã giúp Nam tìm ra cách học tập phù hợp và được tuyển vào tập đoàn công nghệ thông tin sau khi tốt nghiệp và có cơ hội du học thạc sĩ tại Đức.

Yêu thích công nghệ thông tin (CNTT) từ những năm còn là học sinh phổ thông, trước ngưỡng cửa đại học, Nguyễn Thế Nam đã dự định chọn một môi trường đào tạo công nghệ thật cởi mở, sáng tạo.

Thời điểm chọn trường đại học, Thế Nam gần như ngay lập tức bị thu hút bởi chương trình đào tạo ngành CNTT của Trường ĐH FPT. “Mình được biết, Trường ĐH FPT là môi trường năng động, cởi mở. Chương trình đào tạo tập trung vào kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ, có tính ứng dụng cao”, Nam chia sẻ.

cuu sinh vien dh fpt chia se kinh nghiem tu hoc cho tan sinh vien 3
Thế Nam đúc rút được nhiều kinh nghiệm học tập tại Trường ĐH FPT để có được công việc ưng ý sau khi ra trường và cơ hội du học Đức (Ảnh: NVCC).

Nam trở thành sinh viên khóa 12, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Trường ĐH FPT Hà Nội. Từ cậu học sinh phổ thông yêu thích máy tính đến anh chàng sinh viên học chuyên sâu về ngành này, Nam dành thời gian cho bản thân thích ứng với môi trường học tập, làm quen cùng phương pháp học tại Trường ĐH FPT và đúc rút được kinh nghiệm học tập hữu ích với sinh viên CNTT.

“Ba cách học của mình theo mức độ tăng dần độ khó là: học trên lớp theo giáo trình và thầy cô giảng dạy, tự học qua các khóa trực tuyến, học qua dự án và các cuộc thi”, Nam chia sẻ. Khi còn là sinh viên, kỹ sư AI trẻ tâm đắc và cho biết dành thời gian nhiều nhất để trau dồi kiến thức bằng cách học qua dự án và các cuộc thi công nghệ.

Trường ĐH FPT cũng có nhiều hoạt động học tập qua dự án và các sân chơi kiến thức dành cho sinh viên. Nam đã tận dụng tốt những cơ hội đó để có thêm trải nghiệm kiến thức. Thế Nam là thành viên đội tuyển Trường ĐH FPT giành giải nhì cuộc thi Cuộc đua số mùa 2 – sân chơi công nghệ dành cho sinh viên các trường đại học Việt Nam.

Nam nói: “Khi chủ động tìm kiếm kiến thức để giải quyết một vấn đề đặt ra, mình sẽ ghi nhớ lâu và biết cách vận dụng thực tế thay vì chỉ nắm được lý thuyết. Phương pháp đào tạo qua dự án, cuộc thi mà mình được trải nghiệm ở Trường ĐH FPT khiến mình tâm đắc là vì thế”.

cuu sinh vien dh fpt chia se kinh nghiem tu hoc cho tan sinh vien 1
Thế Nam làm diễn giả khách mời trong một sự kiện chia sẻ chuyên ngành (Ảnh: NVCC).

Cũng như tất cả sinh viên Trường ĐH FPT khác, Nam được thực tập thực tế tại doanh nghiệp một học kỳ trước khi tốt nghiệp. Thế Nam còn sớm có cơ hội cộng tác như một nhân viên part-time (bán thời gian) cho một doanh nghiệp phần mềm hàng đầu trong nước. Việc sớm đi thực tập, có thời gian dài làm việc thực tế giúp Nam trau dồi kiến thức, sớm làm quen với những dự án thực tế với yêu cầu từ khách hàng và doanh nghiệp.

“Mình học được cách giải quyết vấn đề tối ưu theo mong muốn của khách hàng chứ không gói gọn trong các bài học hàn lâm. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên ngành của mình cũng được bồi đắp”, Nam chia sẻ những điều học được sau kỳ thực tập doanh nghiệp.

Cũng nhờ khoảng thời gian này, Nam nhận ra đối với một người trẻ làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tự học là kỹ năng cực kỳ cần thiết.

Ở Trường ĐH FPT, Nam sớm được hình thành và rèn giũa kỹ năng này khi sinh viên của trường được khuyến khích tự học, học trực tuyến qua các nền tảng, thông dụng nhất là Coursera – cũng là đối tác của Trường ĐH FPT trong việc cung cấp các khóa học trực tuyến cho sinh viên trường.

cuu sinh vien dh fpt chia se kinh nghiem tu hoc cho tan sinh vien 2
Phương pháp đào tạo qua dự án, cuộc thi ở Trường ĐH FPT là điều Thế Nam cho rằng rất cần thiết cho cách học của sinh viên thời 4.0 (Ảnh: NVCC).

Mới đây, Nam có cơ hội du học thạc sĩ ngành Machine Learning (học máy) tại Đức. Với chàng kỹ sư AI trẻ, đây là cơ hội để cậu có những kiến thức, trải nghiệm mới đồng thời kiểm chứng và nâng cao kỹ năng học tập của mình. “Một là tập trung vào nền tảng cơ bản như logic, thuật toán, tư duy. Hai là có kỹ năng tự học”, Nam chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Nam nhận định, học tập tại một trong những quốc gia có nền giáo dục và công nghệ hàng đầu thế giới như Đức sẽ giúp cậu định hình lối tư duy khoa học, có tính phản biện cao và khám phá những trải nghiệm mới ngoài vùng an toàn của bản thân.

Nam tin, với nền tảng kiến thức có được từ môi trường đào tạo tại Trường ĐH FPT cùng ngoại ngữ, kỹ năng sinh tồn đã được chuẩn bị kỹ càng, cậu sẽ thỏa sức khám phá công nghệ, thỏa mãn đam mê bản thân cũng như có cơ hội tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cho cộng đồng.

Theo Dân Trí