Ấn tượng bữa tiệc âm nhạc “Cung đàn đất nước” tại Đại học FPT
Một bữa đại tiệc âm nhạc và triển lãm các nhạc cụ truyền thống đến Sinh viên Đại học FPT diễn ra vào chiều qua 24/3 trong không gian ấm cúng tại Thư viện FPT.
Sự kiện do bộ môn Nhạc cụ truyền thống và Phòng CTSV cùng các câu lạc bộ FAC, FTI phối hợp thực hiện. Hoạt động với mong muốn tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu sâu hơn về các loại nhạc cụ dân tộc, qua đó tiếp nhận thêm nhiều kiến thức về âm nhạc và văn hóa Việt Nam, có thêm ý thức để yêu mến, gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc.
Tại đây, triển lãm “Cung đàn đất nước” đã giới thiệu hơn 35 loại nhạc cụ bao gồm các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam như đàn tranh, đàn nguyệt, sáo trúc…, nhạc cụ vùng cao như đàn môi, đàn Goong, sáo vỗ, Tam thập lục cho tới các nhạc cụ của các nước châu Á như đàn Koto Nhật Bản, đàn Gayageum Hàn Quốc, đàn Cổ cầm Trung Quốc và nhiều loại đàn khác.
Buổi chiều, người tham dự được thưởng thức nhiều phần biểu diễn nhạc cụ dân tộc của Giảng viên, giao lưu với nhiều khách mời nổi tiếng: Tiến sĩ Michel Guillaume – Giám đốc kỹ thuật của tập đoàn Olmix của Pháp, Ông Vương Nhật Bình – Chủ tịch công ty TNHH Cơ điện lạnh Hòa Bình Alaska Việt Nam, doanh nhân Thanh Thuý, nhạc sĩ Minh Nhàn & Ban Đờn ca Tài Tử quận 7 TP.HCM, nghệ sĩ Phan Thanh Tiến, nghệ sĩ Nghiêm Thu, nghệ sĩ Tân Phúc – Giám đốc công ty TNHH Âm nhạc Phúc Ân.
Đặc biệt, tiết mục hòa tấu của các sinh viên Nhạc cụ dân tộc là một điểm nhấn đặc sắc của chương trình. Hơn 80 bạn sinh viên K15 và K16 các lớp nhạc cụ dân tộc đã hoà cùng với giảng viên, nghệ sĩ liên khúc hòa tấu “Lý cây đa” –“Xuân phong – Long Hổ” và “Lý cây bông” để khép lại chương trình.
Nhạc cụ dân tộc là một môn học chính thức trong chương trình đào tạo của trường Đại học FPT, giúp sinh viên không chỉ hội nhập quốc tế mà còn giữ gìn được giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Từ năm nhất, sinh viên ĐH FPT được học bộ môn nhạc cụ dân tộc trong chương trình chính khoá. Sinh viên có thể lựa chọn nhạc cụ mình yêu thích để theo học như Sáo trúc, đàn tỳ bà, đàn tranh,… Mỗi môn học gồm 60 tiết chia làm 30 buổi theo khung chương trình của trường.
Sau khi hoàn thành bộ môn, sinh viên sẽ có kiến thức cơ bản về nhạc có thể chơi một số bài nhạc cơ bản.
Ở các buổi lễ quan trọng như khai giảng, tốt nghiệp, tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc với sự kết hợp của sinh viên và giảng viên bộ môn đã trở thành “đặc sản” không thể thiếu của ĐH FPT.
Tại Đại học FPT, việc đưa nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo từ năm 2014 được đánh giá là một trong những hành động thiết thực của nhà trường trong nỗ lực truyền thụ tinh hoa văn hoá dân tộc tới sinh viên thông qua kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Ảnh: FPT Around; CLB FAC
Từ khóa: