Dự án tốt nghiệp của sinh viên thu hút nhiều người tham gia bảo vệ môi trường

02/10/2024 Quỳnh

Từ ý tưởng dự án tốt nghiệp, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT Cần Thơ đã có cách lan tỏa hình ảnh, video hiệu quả, thu hút hàng ngàn người quan tâm hoạt động bảo vệ môi trường.

Đề tài tốt nghiệp từng khiến giảng viên bất ngờ

Đó là dự án “Xanh Cần Thơ”, do 4 sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT Cần Thơ thực hiện, gồm: Nguyễn Phạm Ngọc Tuyền, Trần Duy Khánh, Thái Đặng Trung Nghĩa, Lê Trọng Nhân. Đây là một dự án tốt nghiệp, nhưng với tính sáng tạo và lan tỏa không ngừng nên được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Cần Thơ tuyên dương Câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tiêu biểu năm 2024.

4 sinh viên khởi xướng dự án Xanh Cần Thơ và cô Nguyễn Thị Hồng Kel (giữa)

Theo nhóm, nếu nhóm thành lập từ 4 người trở lên thì sẽ làm 1 đề tài đảm bảo 3 yếu tố là: campaign (chiến dịch), event (sự kiện), media production (sản phẩm truyền thông). Dự án cần đầu tư chất xám, nhiều thời gian thực hiện nên nhóm nghĩ tới đề tài có tính chất chung của xã hội, để khi hoàn thiện, báo cáo xong, sản phẩm còn có thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, đọng lại trong lòng mọi người những việc làm có ích cho xã hội. Trên tinh thần đó, nhóm quyết định xây dựng hình ảnh những thanh niên mang sức trẻ, không nề hà khó khăn, vất vả khi tham gia bảo vệ môi trường.

Duy Khánh cho biết việc lựa chọn đề tài này từng khiến giảng viên hướng dẫn bất ngờ, bởi đây là một khía cạnh rất khác so với những nhóm còn lại. “Khoảng 3 năm trước, chúng mình ấp ủ làm việc gì đó có ích cho môi trường. Đây là vấn đề lớn, một vài cá nhân làm rất khó nên nhóm muốn sử dụng phương tiện truyền thông để lan tỏa thông điệp. Chúng mình rất vui khi những hoạt động, hình ảnh, video chia sẻ trên mạng xã hội dần được mọi người quan tâm. Hiện fanpage của nhóm có hơn 1.700 lượt yêu thích, kênh TikTok có hơn 1.200 lượt theo dõi”, Khánh phấn khởi chia sẻ.

Dự án “Xanh Cần Thơ” gồm 3 hoạt động chính: nhặt rác, Xanh san sẻ, Xanh đi đêm. Ở hoạt động đầu, nhóm tự trang bị bao tay, khẩu trang, đồ bảo hộ cần thiết. Địa điểm nhặt rác luôn thay đổi, thông qua giới thiệu của chính quyền xã, phường. Từ tháng 6.2024, nhóm đã thực hiện nhiều đợt dọn dẹp vệ sinh tại những nơi dễ bị tù đọng rác dưới chân cầu, bờ kè chợ. Trong đó, địa điểm để lại nhiều ấn tượng nhất là dưới chân cầu Cần Thơ, rạch Đầu Sấu. Chỉ trong một buổi, nhóm vớt lên gần 1 tấn rác.

Khác với hoạt động nhặt rác, Xanh san sẻ gắn với việc mang cơm chay tặng các cô chú công nhân quét rác vào ban đêm. Đến nay, hơn 150 suất cơm đã được trao đi và con số này chưa dừng lại vì được nhiều nhà hảo tâm đồng hành. Còn với Xanh đi đêm, khoảng 21 – 23 giờ nhóm sẽ ra các tuyến đường phụ giúp các công nhân vệ sinh quét rác. Trong giờ giải lao, nhóm sẽ trò truyện với các cô chú, anh chị để hiểu hơn về cuộc sống, gia đình, tâm tư của họ.

“Qua những đoạn video, hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội, chúng mình mong mọi người thấu cảm công việc của những người đang thầm lặng làm đẹp cho thành phố. Để từ đó, mọi người sẽ có sự đồng cảm, chia sẻ để cùng góp phần bảo vệ môi trường tại những nơi công cộng”, Tuyền cho biết.

Dự án tốt nghiệp nhiều ý nghĩa

Bà Nguyễn Thị Liễu (55 tuổi), người dân sống gần rạch Đầu Sấu, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ, bộc bạch: “Khi thủy triều rút, nước trong rạch chuyển màu đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu. Tôi nhìn các bạn trẻ lội dưới rạch nhiều giờ, vớt từng bọc rác mang lên mà cảm kích vô cùng. Con rạch này ô nhiễm nhiều năm, một phần do vứt rác bừa bãi. Tôi hy vọng với nỗ lực của các bạn trẻ trong việc góp phần làm sạch con rạch sẽ khiến mọi người nhìn lại hành vi của mình để chung tay bảo vệ môi trường”.

Theo Duy Khánh, thành viên tham gia hoạt động bảo vệ môi trường đến từ nhiều trường CĐ, ĐH ở Cần Thơ và mỗi khi ra quân luôn có hơn 50 tình nguyện viên đồng hành. Về tính kế thừa, đại diện nhóm cho biết dự án sẽ không dừng lại cả khi các thành viên chủ chốt đã ra trường, đi làm, bởi có rất nhiều sinh viên các khóa sau tâm huyết, ngỏ ý muốn duy trì hoạt động này và thầy cô trong trường cũng hết lòng ủng hộ hành trình được tiếp nối.

Cô Nguyễn Thị Hồng Kel, giảng viên, Trưởng môn ngành truyền thông đa phương tiện Trường ĐH FPT Cần Thơ, cho biết thế mạnh của các thành viên dự án “Xanh Cần Thơ” nghiêng về nghệ thuật. Vì vậy, việc nhóm chọn đề tài về môi trường đặt ra nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, theo dõi các bạn lên kế hoạch, từng bước thực hiện, mọi người đều đánh giá cao sự chịu khó và quyết tâm. Điều thực sự bất ngờ là qua cách truyền thông của các bạn, hình ảnh bảo vệ môi trường quen thuộc bỗng trở nên lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Sức lan tỏa đến cả những bạn trẻ ở một số địa phương lân cận.

“Đây là dự án ý nghĩa, có hiệu quả nên mọi người đều mong có tính bền vững. Các thầy cô cũng vạch ra định hướng sau khi các bạn ra trường, nếu có cơ hội nghề nghiệp không phải ở Cần Thơ thì nhóm có thể trao lại dự án này cho một nhóm sinh viên khác có đủ năng lực thực hiện hoặc lập câu lạc bộ trong trường. Thậm chí các bạn có thể đưa dự án này ra bên ngoài, triển khai tại nơi làm việc của mình. Bởi thực hiện ở bất kỳ đâu cũng mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”, cô Kel chia sẻ.

 

Từ khóa: