Giảng viên, sinh viên Đại học FPT cùng kiến tạo bài giảng, biến Triết học thành người bạn vui

04/10/2024 Quỳnh

Sáng tạo bài giảng với Tuần lễ Triết học (Philosophy Talk), cô trò Đại học FPT đã “hô biến” những thuật ngữ trừu tượng, hàn lâm thành không khí lớp học sôi nổi, hào hứng tranh biện. Từ đó, đưa Triết học đến gần hơn với sinh viên.  

Học Triết từ góc nhìn thực tế 

Được tổ chức từ tháng 09/2020, Tuần lễ Triết học là chuỗi hoạt động xoay quanh những chủ đề của Triết học Marx- Lênin với từng chủ đề nhỏ như âm nhạc, phim ảnh, điêu khắc… Điều đặc biệt của chương trình chính là chuyển hóa những giờ học truyền thống thành nhiều dạng trải nghiệm cho sinh viên: Talkshow, thuyết trình, cuộc thi viết,… Từ đó mang Triết học tới gần hơn với các bạn trẻ, để thấy được sự hiện diện của Triết học trong từng ngóc ngách, hơi thở cuộc sống.

Các chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Triết học luôn thu hút đông đảo sinh viên tham gia

Chia sẻ về ý tưởng, cô Kiều Thị Thu Chung – Giảng viên Đại học FPT cho hay: “Với tình yêu Triết học, chúng tôi luôn trăn trở làm sao sinh viên đón nhận bài học một cách tích cực chứ không phải thụ động. Chương trình cũng xuất phát từ ấp ủ của cô Hồ Yên Thục: “Mong đến một lúc nào đó, sinh viên có thể nói về Socrates, Plato, Marx,… một cách thật tự nhiên và bình thường”. Từ đây, chúng tôi đặt tay xây những viên gạch đầu tiên cho Tuần lễ Triết học. Tới nay chương trình đã được cải tiến hơn rất nhiều, theo đó chủ đề cũng dần mới mẻ hơn, đội ngũ mentor cũng hùng hậu hơn bao gồm tất cả các thầy cô giảng viên Chính trị. Có thể nói Philosophy Talk đã phần nào tạo dựng được thương hiệu cho chính mình”.

Đến nay Tuần lễ Triết học đã được tổ chức qua 7 mùa, mỗi mùa lại kéo dài xuyên suốt 1 tuần với những chủ đề Triết học đa dạng khác nhau. Sinh viên chính là chìa khóa mở ra cánh cửa cho mỗi giờ học thông qua việc chuẩn bị nội dung, thuyết trình và giải đáp thắc mắc từ khán giả. Như bàn về cặp phạm trù “nội dung – hình thức”, diễn giả đã đặt Triết học từ góc nhìn văn học với bài thơ Nam quốc sơn hà. Từ bài ca yêu nước hùng tráng, sinh viên nhận thấy sự hiện diện của Triết học qua những câu thơ hùng hồn khẳng định lãnh thổ Việt Nam.

Diễn giả: Thầy Nguyễn Việt Anh – Nhà Tư vấn Triết học và Trưởng Thư quán Cội Việt chia sẻ về Triết học trong lĩnh vực Kinh doanh.

Vừa qua, trong seminar 3 của chuỗi Philosophy Talk 7, sinh viên Đại học FPT có buổi giao lưu cùng Thầy Nguyễn Việt Anh – Nhà Tư vấn Triết học và Trưởng Thư quán Cội Việt để “bỏ túi” giá trị Triết học trong kinh doanh. Cũng tại chương trình, khán giả còn mở mang các phạm trù Triết học ở lĩnh vực điện ảnh với phần trình bày của hai nhóm diễn giả về 2 bộ phim “Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà” và “Forrest Gump”. Thông qua nghệ thuật thứ bảy, sinh viên có cái nhìn đa chiều hơn về triết học. Chính nhờ sự thay đổi cách tiếp cận, đi từ góc nhìn thực tế, học Triết không chỉ là “nhẹ gánh” nỗi lo qua môn, mà quan trọng sinh viên biết vận dụng Triết học để phản ánh chính kinh nghiệm cuộc sống.

Tuần lễ Triết học ngày càng được khán giả đón nhận không chỉ qua số lượng sinh viên tham gia, mà còn ở sự góp mặt của các giảng viên đầu ngành Triết học từ trường KHXH&NV, các chuyên gia về tư duy kiến tạo, kể cả sinh viên các trường đại học khác trên địa bàn. Nhưng điều mà BTC tâm đắc nhất chính là các câu hỏi và sự thảo luận sôi nổi từ chính sinh viên. “BTC rất vui khi Tuần lễ Triết học đã đi đúng tinh thần ban đầu, như Triết gia Russell từng nói “Triết học, dẫu không trả lời thật nhiều câu hỏi như ta mong muốn, chí ít cũng chứa đựng sức mạnh của việc đặt thật nhiều câu hỏi làm ta thêm hứng thú với thế giới, và cho ta thấy biết bao lạ lùng và diệu kỳ ẩn bên dưới ngay cả những điều bình thường nhất trong cuộc sống hằng ngày” – Cô Thu Chung cho hay.

Sinh viên mạnh dạn đặt câu hỏi và tranh biện về những vấn đề của Triết học

Giảng viên và sinh viên đồng kiến tạo bài giảng  

Một trong những yếu tố khiến Tuần lễ Triết học trở nên mới mẻ, hấp dẫn và “dễ hấp thu” chính là việc áp dụng phương pháp dạy và học kiến tạo. Tham gia Philosophy Talk, sinh viên chính là người xây dựng lộ trình của buổi học. Cùng một chủ đề, các bạn sẽ là người chọn điểm xuất phát và dẫn dắt buổi học theo cách của mình. Mỗi nhóm sinh viên có 6 tuần để đi từ ý tưởng đến sản phẩm thuyết trình hoàn thiện. Để chuẩn bị cho giờ “lên sóng”, sinh viên sẽ đăng ký đề tài, xây dựng nội dung sau đó tập dượt phần chia sẻ trước giảng viên. Cô trò sẽ cùng nhau góp ý, sửa từng dòng script hay slide để có được những bài chia sẻ chỉn chu, hấp dẫn nhất.

Phương pháp kiến tạo cũng thúc đẩy quá trình tự học và tự chủ của sinh viên. Thay vì một lớp học tĩnh lặng, chỉ nghe thấy tiếng của giảng viên ở cách dạy học truyền thống, phương pháp dạy và học kiến tạo tập trung vào việc xây dựng môi trường để sinh viên được nói nhiều hơn, thể hiện quan điểm riêng. Thông tin không còn là một chiều, thầy giảng trò chép, mà đó là sự trao đổi, tranh luận trên nền tảng hiểu biết và tìm hiểu từ chính sinh viên. Thông qua việc trau dồi kiến thức, kỹ năng, sự quan sát, tư duy, vận dụng và chiêm nghiệm của mình, sinh viên đã biến tài liệu mà người học nào cũng có như nhau thành sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân của mình. Những trải nghiệm có được trong quá trình làm việc nhóm, thuyết trình, phản biện đồng thời giúp sinh rèn luyện những tư chất cần có cho hành trang hội nhập và khởi nghiệp sau này.

Các chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ Triết học luôn thu hút đông đảo sinh viên tham gia

“Những phần chia sẻ thật sự làm chúng tôi vô cùng ấn tượng, bất ngờ vì chiều sâu trong nội dung, sự quan tâm của các bạn với Triết học và cuộc sống, một điều mà chúng tôi không nhìn thấy được nếu chỉ thuyết giảng. Bằng việc trao quyền chủ động cho sinh viên, thầy cô sẽ xây dựng phần nền, trên cái nền đó các bạn sẽ xây dựng nên ngôi nhà tri thức cho chính mình. Thật sự vui mừng khi sinh viên trưởng thành qua từng buổi demo và rất mong Tuần lễ Triết học sẽ tiếp nối những suy tư, câu hỏi Triết học trong chính các em” – Cô Thu Chung chia sẻ.

Kiến thức không “đúng” vì sách giáo khoa bảo “đúng” nữa, mà kiến thức giờ đây được kiến tạo bởi mỗi cá thể trong lớp học. Không còn phải học một cách máy móc “mọi sự vật hay hiện tượng ở trong tự nhiên đều có sự tồn tại và mâu thuẫn bên trong” mà thay vào đó sẽ là những quan điểm từ góc nhìn của sinh viên “Nếu mong muốn và thực tế giống nhau thì nó sẽ là không có mâu thuẫn hay mâu thuẫn đã được giải quyết?” hay “Một mâu thuẫn cần giải quyết và khi giải quyết thì lại sinh ra nhiều mâu thuẫn hơn liên quan thì nên giải quyết mâu thuẫn nào trước?

Với việc áp dụng phương pháp dạy và học kiến tạo, Tuần lễ Triết học thực sự đã trao việc học vào tay sinh viên. Đồng thời, phần nào giúp sinh viên xóa đi nỗi ám ảnh về môn học mang tên “Triết học”.

 

 

 

Từ khóa: