Sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM đưa nhiều công nghệ mới vào đồ án tốt nghiệp
Tại đợt bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ Summer 2024, sinh viên chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật số Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM đã gây ấn tượng mạnh mẽ bởi các sản phẩm thiết kế sáng tạo, kết hợp các công nghệ mới như AR, 3D để truyền tải các thông điệp ý nghĩa.
“Sọc” – Sách minh họa AR về nguy cơ tuyệt chủng của loài ong
Đứng trước nguy cơ tuyệt chủng của loài ong, sinh viên Tô Nhật Minh và Vũ Huỳnh Hồng Ngọc đã sáng tạo nên “Sọc” – một cuốn sách minh họa thực tế ảo (AR), với hy vọng nâng cao nhận thức của mọi người về thực trạng đáng báo động này. “Sọc” không chỉ là một dự án đầy tâm huyết mà còn là đồ án tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số của hai sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM.
Nhìn bề ngoài, “Sọc” vẫn giữ giao diện như một cuốn sách in truyền thống, nhưng khi quét bằng điện thoại, các trang sách lập tức biến thành những thước phim sống động nhờ công nghệ thực tế ảo, đưa người đọc vào hành trình khám phá thế giới loài ong. Từ những hình ảnh chi tiết về vòng đời của ong đến các hoạt cảnh sinh động mô tả môi trường sống của chúng, “Sọc” giúp mọi người hiểu hơn về tầm quan trọng của loài ong đối với hệ sinh thái. Qua đó, cuốn sách góp phần nâng cao ý thức bảo vệ và hành động thiết thực nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của loài ong.
“Mỗi trang sách có thời lượng khoảng 15 giây, tổng cộng là một bộ phim ngắn hơn 2 phút được lồng ghép vào “Sọc”. Nhờ ứng dụng AR, “Sọc” mang đến một trải nghiệm mới mẻ và đa chiều, kết hợp giữa đọc sách, xem ảnh và video, hứa hẹn thu hút các độc giả trẻ”, sinh viên Tô Nhật Minh cho biết.
Giới thiệu về dự án “Sọc” tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ Summer 2024, nhóm sinh viên đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của Hội đồng chuyên môn, không chỉ về hình thức thể hiện sáng tạo mà còn bởi nội dung ý nghĩa, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về một thực trạng báo động với cách tiếp cận mới mẻ và hấp dẫn.
“Digimaze” – Phim hoạt hình 3D về vấn đề “sao nhãng công nghệ”
“Chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, nơi công nghệ số và Internet lên ngôi, được người người nhà nhà ưa chuộng. Tuy nhiên, việc thiếu kiểm soát, thậm chí bị phụ thuộc vào các thiết bị điện tử có thể khiến con người bị phân tâm trong học tập và làm việc, tiêu tốn thời gian và trở nên mệt mỏi, thiếu kiên nhẫn.
Từ thực trạng này, nhóm mình nảy ra ý tưởng xây dựng bộ phim hoạt hình 3D “Digimaze”, với mong muốn khuyến khích mọi người thay đổi thói quen sử dụng công nghệ, thông qua một câu chuyện thú vị và hấp dẫn”, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM gồm Nguyễn Tuấn Anh, Hoàng Huy và Nguyễn Minh Đức chia sẻ.
Chỉ chưa đầy 6 phút nhưng Digimaze đã thành công đưa người xem vào một cuộc chiến đầy thú vị và gay cấn giữa nhân vật chính và những “công nghệ số” khiến anh ta bị phân tâm trong lúc “chạy deadline” gấp rút. Tình huống này vốn không xa lạ, nhiều người xem có thể dễ dàng nhận ra bản thân trong câu chuyện, khi thường xuyên bị sao nhãng bởi điện thoại, game, mạng xã hội…
“Điểm nổi bật của “Digimaze” nằm ở sự sáng tạo trong tạo hình nhân vật và các cảnh hành động, với những pha biến hình và chiến đấu ấn tượng. Phim hoàn toàn sử dụng phần mềm Blender cho công đoạn 3D và hậu kì chỉnh sửa trên After Effect. Nhóm chủ trương sử dụng ít phần mềm để thuận tiện, đồng nhất giữa các công đoạn và dễ dàng phối hợp giữa các thành viên”, nhóm sinh viên chia sẻ.
Trình chiếu tại buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp kỳ Summer 2024, “Digimaze” đã nhận được nhiều lời ngợi khen của hội đồng chuyên môn về tính sáng tạo cũng như chất lượng. Thầy cô cho rằng nhóm có thể tiếp tục phát triển sự nghiệp bằng cách thực hiện thêm các phim ngắn và đăng tải trên YouTube, mở rộng cơ hội để chia sẻ tác phẩm và tiếp cận đông đảo khán giả hơn.
“Nếm màu” – Sách minh họa AR về phẩm màu độc hại trong thực phẩm
Dự án đồ án tốt nghiệp mang tên “Nếm Màu” được thực hiện bởi nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM gồm Nguyễn Thảo Vy và Phạm Nguyễn Việt Yên. “Sách minh họa AR “Nếm Màu” mong muốn góp phần giúp các bạn nhỏ và phụ huynh cảnh giác về những nguy cơ tiềm ẩn của các loại đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc được bày bán ở trước cổng trường và tác hại của phẩm màu nhân tạo độc hại có trong những đồ ăn đó”, nhóm sinh viên chia sẻ.
Các nhân vật và cốt truyện của “Nếm màu” đều được thiết kế phù hợp với độ tuổi của trẻ em, đồng thời sử dụng công nghệ AR để nâng cao trải nghiệm đọc sách, biến những hình ảnh tĩnh thành những thước phim ngắn đầy màu sắc và sống động.
Đối tượng độc giả mà sách “Nếm màu” hướng tới là thiếu nhi từ 6-10 tuổi, do đó cốt truyện phải được xây dựng sao cho logic, mạch lạc nhưng cũng cần dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi các em. Trong truyện, các nhân vật chính cũng được “biến hình” thành siêu anh hùng chiến đấu với “quái vật” phẩm màu, giúp trẻ em dễ dàng nhớ và liên tưởng đến tác hại của phẩm màu nhân tạo trong thức ăn vặt không rõ nguồn gốc.
Với những đánh giá tích cực từ hội đồng chuyên môn sau kỳ bảo vệ đồ án tốt nghiệp Summer 2024, nhóm dự án “Nếm màu” ấp ủ mong muốn tiếp tục mở rộng và phát triển các tính năng AR, kỳ vọng có thể sớm thương mại hóa sản phẩm trong tương lai.
Từ khóa: