SV Trường ĐH FPT “ghi điểm” với những đề tài tốt nghiệp có tính thực tế
Nhiều đề tài tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐH FPT nhằm giải quyết nhu cầu phát triển doanh nghiệp hoặc chọn vấn đề học thuật nhưng được đánh giá là có tiềm năng triển khai thực tế.
Doanh nghiệp đặt hàng “Kế hoạch kinh doanh phát triển chuỗi phòng tập Pilates”
Pilates là bộ môn thể thao được nhiều người theo đuổi tập luyện. Các doanh nghiệp nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu này để phát triển thị trường, thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, một doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã “đặt hàng” nhóm sinh viên Trần Nguyễn Diễm Xuân, Lê Trần Bảo Ngọc, Nguyễn Thị Nghi Trường, Ngô Vĩnh Khang, Nguyễn Huỳnh Bảo Trân,Trường Đại học FPT phân hiệu TP Hồ Chí Minh phát triển “Kế hoạch kinh doanh phát triển chuỗi phòng tập Pilates”.
Mục tiêu của đề tài tốt nghiệp là đưa ra nghiên cứu, giải pháp nhằm xây dựng chiến lược phát triển và mở rộng mô hình thành chuỗi phòng tập nhượng quyền đầu tiên, đảm bảo đủ các yếu tố tiêu chuẩn phục vụ việc tập luyện bộ môn Pilates.
Bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện khóa luận tốt nghiệp này, nhóm sinh viên thực hiện đã tiến hành khảo sát thị trường và nhận định nhu cầu tập Pilates của người dân tăng cao nhưng không được đáp ứng đủ do thiếu hụt phòng tập, đặc biệt là các phòng đảm bảo chất lượng. Nhóm sinh viên Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM cũng đã thực hiện nhiều phương pháp phân tích, tìm ra điểm mạnh của thương hiệu từ đó đề xuất giải pháp để doanh nghiệp này cạnh tranh và phát triển trên thị trường..
Trong quá trình xây dựng và phát triển đề tài, nhóm đã lên ý tưởng tận dụng tối đa lợi thế của thương hiệu. Trần Nguyễn Diễm Xuân – Trưởng nhóm cho biết: “Chúng mình đã tập trung vào lợi thế cạnh tranh của thương hiệu để nhân chuỗi mô hình như: giảm áp lực mở phòng tập và chi phí, có đội ngũ chuyên gia đồng hành, sở hữu tài liệu độc quyền”.
Kết hợp phương pháp phân tích chuyên môn vào nghiên cứu
Nhóm đồ án Team Con Cá gồm 4 thành viên Phạm Đăng Dương, Vũ Hà Anh, Đào Thị Diệu Vi, Nguyễn Vũ Việt Phương – sinh viên K15 chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐH FPT Hà Nội vừa bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu có giá trị thực tiễn và chuyên môn.
Đề tài “Đánh giá khả năng cạnh tranh của các quốc gia Châu Á qua chỉ số đổi mới toàn cầu và chỉ số hoạt động hậu cần vận tải, sử dụng mô hình bao dữ liệu hai giai đoạn (DEA)” của nhóm là nghiên cứu tiên phong trong việc kết hợp hai phương pháp phân tích DEA Super SBM và DEA Malmquist.
Trong đó, DEA Super SBM dùng để đo lường và so sánh khả năng cạnh tranh giữa các nước ở châu Á với nhau dựa trên hai chỉ số LPI (chỉ số Đổi mới Toàn cần) và GII (Chỉ số hoạt động hậu cần vận tải). Nó giúp cung cấp cho nhà nghiên cứu biết rằng là hiện tại đất nước biết được điểm yếu, điểm mạnh và dư địa có thể phát triển khả năng cạnh tranh của bản thân mình.
DEA Malmquist dùng để đo lường sự thay đổi trong khả năng cạnh tranh của các đất nước theo thời gian. Khi mà kết hợp hai phương pháp này lại với nhau có thể đưa ra được những thông tin mang tính toàn diện, thực tế cho những nhà lập pháp, nhà đầu tư, nhà kinh doanh hoặc có thể là những công dân hiểu và đưa ra những quyết định tốt nhất.
Chia sẻ về chủ đề khá “hóc búa” này, Phạm Đăng Dương cho biết: “Đơn giản mà nói, chúng mình chỉ là đang tìm hiểu ai/ đất nước nào đang là “ngôi sao” cạnh tranh ở châu Á. Mặc dù bài nghiên cứu còn một số hạn chế nhưng đó là tiền đề để chúng mình làm những nghiên cứu tương lai khi áp dụng những phương pháp mới hơn với kỹ thuật phức tạp hơn để tăng độ chính xác và thực tế của kết quả”.
Với đề tài nghiên cứu mang tính thách thức cao này, nhóm đã gặp không ít những khó khăn khi phát triển đề tài. Đặc biệt là những lần tranh luận khi làm việc nhóm để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. nhưng cũng từ đó mà các thành viên trong nhóm có cơ hội học hỏi và hoàn thiện kiến thức, kỹ năng làm việc.
Theo chia sẻ của các thành viên trong Team Con Cá, quá trình thực hiện khóa luận tốt nghiệp nhận được sự đồng hành, hỗ trợ thường xuyên của GV hướng dẫn – thầy Nguyễn Phi Hùng (Trường ĐH FPT Hà Nội).
“Những lúc nản lòng muốn từ bỏ, thầy luôn ở bên, hỗ trợ và định hướng cho chúng mình, chỉ ra những gì đang làm tốt và những gì cần cải thiện” – Vũ Hà Anh chia sẻ.
Tại buổi bảo vệ, Hội đồng chấm tốt nghiệp cũng dành nhiều lời đánh giá tốt cho đề tài nghiên cứu của Team Con Cá. Góc tiếp cận vấn đề độc đáo của nhóm cũng có thể trở thành một “case study” cho các nhóm sinh viên muốn chọn đề tài khoá luận có tính học thuật nhưng được triển khai với các phương pháp nghiên cứu có tính thực tế trong những đợt bảo vệ tốt nghiệp tiếp theo.
Từ ngày 21/8 – 31/8, hơn 1200 sinh viên ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường ĐH FPT Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh tham gia đợt bảo vệ tốt nghiệp kỳ Summer 2023.
Các đề tài trong đợt bảo vệ lần này tập trung vào các lĩnh vực thể hiện tính mới và tính thực tế như kinh tế, y tế, giáo dục, giải trí… được ứng dụng các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, Blockchain hoặc các phương pháp nghiên cứu khoa học hiệu quả trong việc tìm ra giải pháp cho vấn đề. |
Thanh Hồng – Tổ chức Giáo dục FPT
Từ khóa: