Những nghiên cứu của Khanh tập trung vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm bù đắp những thiếu hụt về nhân lực y tế, hỗ trợ đội ngũ y tế đưa ra quyết định nhanh, chính xác và hiệu quả hơn. Hiện, chàng trai trẻ có ba công bố quốc tế, trong đó có một báo cáo được đăng tải trên tạp chí thuộc danh mục Scopus Q2.
Ngày 26/7, Lê Đình Việt Khanh tiếp tục tham gia báo cáo tại Hội nghị Quốc tế về Hệ thống Thông tin lần thứ 7 – ISICO 2023 tại Bali, Indonesia. Đây là hội nghị quốc tế diễn ra hai năm một lần từ năm 2011 bởi Khoa Hệ thống Thông tin, Institut Teknologi Sepuluh Nopember (ITS). Tại đây, Việt Khanh báo cáo đề tài “Nhận diện cây thuốc thông qua Federated Deep Learning (học sâu liên kết)”.
Do tình hình Covid-19, hai lần tham gia hội nghị quốc tế trước đó, Việt Khanh đã báo cáo nghiên cứu qua hình thức trực tuyến. Cậu chia sẻ bản thân khá hồi hộp khi tham gia trực tiếp lần đầu và báo cáo về nghiên cứu trước nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Tại hội nghị, ngoài việc thuyết trình về công sức nghiên cứu suốt 2 năm qua, Khanh còn được lắng nghe báo cáo, gặp gỡ, giao lưu với nhiều thầy cô, bạn bè, nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Đây cũng là cơ hội cho 10x tạo mối quan hệ trong giới học thuật.
Việt Khanh tốt nghiệp chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học FPT và đang là kỹ sư phần mềm cho Ascenda Loyalty (Singapore). Nam kỹ sư kể lại, từ thời sinh viên, cậu gắn bó với việc nghiên cứu khoa học trong ba năm. Ngay khi hoàn thành kỳ học đầu tiên, cậu đã đăng ký tham gia nhóm nghiên cứu khoa học của chuyên ngành dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Quốc Trung – giảng viên Trường Đại học FPT phân hiệu TP HCM.
“AI là một ngành rất mới và phải vừa học vừa nghiên cứu, cập nhật thêm rất nhiều thứ. Do vậy, việc nghiên cứu khoa học là một việc cần thiết khi là sinh viên chuyên ngành này”, Khanh nói thêm.
Trước đó, Việt Khanh từng học chuyên Hóa tại THPT chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam) và đạt hai giải Học sinh Giỏi quốc gia môn Hóa. Bắt tay vào nghiên cứu, những kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên là nền tảng tốt để cậu tiếp tục tìm hiểu về ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế.
Khi nghiên cứu, sinh viên sẽ được tiếp cận với những điều mới mẻ nhất, mang tính học thuật cao và có cơ hội gặp gỡ với bạn bè, thầy cô chung niềm đam mê, từ đó, phát triển bản thân tốt hơn.
Trong ba năm nghiên cứu, những lần chạy số thất bại, làm lại đã giúp Khanh kiên trì hơn. Từ một người “có thù với con chữ”, sau quá trình lần viết đi viết lại, chắt lọc và cô đọng thông tin, chàng trai Quảng Nam đã có khả năng diễn đạt câu từ gãy gọn, mượt mà hơn.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học còn giúp Khanh sử dụng tiếng Anh tốt hơn. Khi đi làm, Khanh ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng nước ngoài nhờ vốn tiếng Anh, bộ kỹ năng tích lũy khi tham gia nghiên cứu khoa học và chuỗi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế trong CV.
Tuy học đại học trong hai năm đại dịch, hạn chế tham gia hoạt động trực tiếp, Khanh vẫn có thể nắm bắt cơ hội phát triển bản thân trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cậu cho biết, bản thân cảm thấy biết ơn vì những trải nghiệm và cơ hội có được nhờ nghiên cứu khoa học cùng thầy cô và bạn bè tại Trường Đại học FPT.
“Trường Đại học FPT là bước đệm tốt cho những bạn có quan tâm theo đuổi ngành AI và muốn trải nghiệm môi trường học tập chú trọng nghiên cứu khoa học”, cựu sinh viên chia sẻ.
Theo Vnexpress