Đồ án của sinh viên Đại học FPT được doanh nghiệp hỗ trợ phát triển
Đồ án ‘Hệ thống quản lý đặt lịch và khám bệnh cho bệnh viện’ của nhóm sinh viên Đại học FPT TP.HCM được một doanh nghiệp hỗ trợ phát triển. Hiện, hệ thống đang chuẩn bị đi vào hoạt động.
Trăn trở trước thực trạng quá tải trong đăng ký khám chữa bệnh tại một số bệnh viện nhi trên địa bàn thành phố, nhóm sinh viên Trần Minh Quân (trưởng nhóm), Hoàng Phước Thành, Nguyễn Phạm Minh Quân, Lê Nguyễn Hữu Quốc (K15, chuyên ngành Kỹ thuật phần mềm, Đại học FPT TP.HCM) đã nghiên cứu và xây dựng ‘Hệ thống quản lý đặt lịch và khám bệnh cho bệnh viện’ (HABS).
HABS đã đã được một doanh nghiệp thỏa thuận về sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp hỗ trợ nhóm sinh viên Đại học FPT trong quá trình làm việc với bệnh viện để lấy dữ liệu thực tế, xây dựng hoàn thiện hệ thống. ‘Nhóm mình đang hoàn thiện ứng dụng theo yêu cầu của doanh nghiệp để hướng đến việc chạy thử nghiệm thực tế. Sau khi ứng dụng hoàn thiện, chúng mình sẽ bàn giao cho doanh nghiệp để vận hành’ – Trần Minh Quân cho hay.
Theo chia sẻ từ nhóm phát triển, chức năng chính của hệ thống HABS là hỗ trợ đặt lịch khám, quản lý quá trình khám chữa bệnh và truy xuất hồ sơ sức khỏe của bệnh nhi. Để đặt lịch khám, phụ huynh cần tải ứng dụng về điện thoại, đăng ký tài khoản bằng một số thông tin cá nhân. Sau khi đăng nhập, phụ huynh đăng ký hồ sơ bệnh án cho con, sau đó có thể vào mục đặt lịch, nhập các thông tin cần thiết như bác sĩ, giờ khám, ngày khám các triệu chứng của bé. Phụ huynh có thể thanh toán chi phí ngay trên ứng dụng.
Đúng ngày hẹn, phụ huynh chỉ cần đưa con đến, cầm mã QR và quét vào máy quét trước khi vào khám. Các thao tác trong ứng dụng đơn giản và thân thiện với người dùng.
Trường hợp phụ huynh đã lớn tuổi, không có khả năng cài đặt và sử dụng ứng dụng trên điện thoại, nhóm đã thiết kế thêm tính năng nhờ nhân viên hành chính/thu ngân của bệnh viện hỗ trợ đặt lịch.
Ngoài ra, HABS còn hỗ trợ khá nhiều cho bệnh viện trong việc quản lý lịch khám của bệnh nhi. Khi sử dụng HABS, thông tin tới lượt khám của bệnh nhân sẽ được hiển thị tại màn hình chờ trước phòng khám. Bác sĩ hoặc điều dưỡng sử dụng ứng dụng cho phép bệnh nhân vào để phòng khám để chẩn đoán bệnh.
HABS hỗ trợ điều dưỡng và bác sĩ trong việc chẩn đoán và đưa ra các chỉ định, hỗ trợ trong việc xác nhận quy trình xét nghiệm và đưa kết quả xét nghiệm. Ngoài ra, hệ thống này giúp bệnh viện quản lý và lưu trữ hồ sơ bệnh án, theo dõi tình trạng bệnh của các bệnh nhi.
‘Về cơ bản, hệ thống được xây dựng dựa trên lịch làm việc của bác sĩ. Lịch này sẽ được đưa trực tiếp vào trong hệ thống mà không cần cơ chế quản lý vì đây là nội dung tham chiếu giúp phụ huynh dễ dàng đặt được lịch khám.
Ứng dụng sử dụng cơ chế để hệ thống có thể chạy tự động với các tác vụ để xử lý mà không cần sự tương tác của người vận hành. Tuy nhiên, vì thời gian có hạn nên nhóm chưa tối ưu được toàn bộ khâu bảo mật hệ thống’, Minh Quân cho biết thêm.
Nghiên cứu và phát triển hệ thống từ tháng 1/2023, tuy khối lượng công việc nhiều nhưng tất cả các thành viên trong nhóm đồ án đều quyết tâm hoàn thành mục tiêu đã đặt ra. ‘Nếu thành viên nào trong nhóm gặp phải vấn đề gì thì đều được các thành viên còn lại góp ý và giải quyết ngay tức thời’, Hoàng Phước Thành chia sẻ.
Ngoài ra, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ về mặt chuyên môn từ giảng viên hướng dẫn – thầy Kiều Trọng Khánh (Giảng viên Công nghệ thông tin, Đại học FPT phân hiệu TP.HCM). ‘Nhóm sinh viên đã đề xuất ý tưởng thiết kế, đưa giải pháp cho phần mềm và triển khai thực tế. Từ đây, hệ thống được triển khai thử nghiệm dần dần. Qua nhiều lần đánh giá rút kinh nghiệm để cải tiến, đề tài này đã đạt yêu cầu với quy trình workflow. Tuy nhiên, hệ thống cần thêm các nội dung liên quan đến quản lý nhân sự, quản lý thời gian làm việc của bác sĩ, quản lý thuốc…’, thầy Khánh cho biết.
Được biết, ‘Hệ thống quản lý đặt lịch và khám bệnh cho bệnh viện’ (HABS) cũng là sản phẩm tốt nghiệp của nhóm sinh viên Đại học FPT TP.HCM, vừa bảo vệ thành công đầu tháng 5/2023. ‘Các thành viên trong nhóm đều rất vui vì vượt qua kỳ bảo vệ đồ án suôn sẻ và có một sản phẩm thực tế áp dụng được kiến thức đã học và có khả năng thương mại, được doanh nghiệp đón nhận’, Phước Thành cho biết thêm.
Theo Tiin
Từ khóa: