Kinh nghiệm dự thi đầu vào của một sinh viên ĐH FPT
Có một câu rất hay: “Hành trình vạn dặm khởi đầu từ những bước đi nhỏ bé đầu tiên”, câu nói đó nghĩa là con đường dài đến đâu cũng phải có bước chân đầu tiên và nếu bạn đủ quyết tâm, bạn sẽ đi hết con đường.
Lê Quang Đức, sinh viên khóa 7, ĐH FPT (FPTU) là một cái tên khá nổi trong cộng đồng Cóc Hòa Lạc. Tham gia rất nhiều các hoạt động phong trào, song chuyện học tập của anh chàng cũng “không phải dạng vừa đâu”. Chinh phục được học bổng toàn phần cho 4 năm học và là 1 trong 5 sinh viên xuất sắc nhất được doanh nghiệp đánh giá cao trong kỳ thực tập, Đức khiến không ít Cóc phải trầm trồ, khâm phục. Trong đợt vinh danh vừa rồi, Đức được xướng tên với thành tích nhất môn học, sinh viên giỏi và sinh viên xuất sắc. “Bộ sưu tập của mình còn thiếu danh hiệu Cóc Vàng nữa là đủ các loại giấy khen ở ĐH FPT” – anh bạn hóm hỉnh.
Quyết định sẽ khởi hành cuộc “Vạn lý trường chinh” của mình tại ĐH FPT, Đức sẽ chia sẻ về những bước chân đầu tiên của mình, những bước chân theo cách nói của anh chàng: “nhỏ thôi nhưng mà quan trọng”.
Đề thi vào ĐH FPT chủ yếu thi toán logic và viết luận nên khiến nhiều bạn chủ quan, mang tâm lý “kiểu gì cũng làm được” vào phòng thi mà không ôn tập kỹ lưỡng gì. Lần đầu ôn thi của Đức cũng như thế. Kết quả 75/105 điểm trong khi điểm chuẩn xét tín dụng là 76. Khoảng cách chỉ 1 điểm nhưng tất cả như đổ sụp trong cậu. Được biết FPTU còn tuyển 1 lần nữa vào tháng 8. Anh bạn vạch ra một kế hoạch, đứng lên và bước tiếp về phía có con Cóc màu cam.
Bước chân thứ hai: Đứng dậy và bước tiếp
Lần này anh chàng lên mạng đọc ngấu nghiến những kinh nghiệm dự thi vào FPT. Nhận ra rằng: Ai cũng làm được đề thi ĐH FPT nhưng quan trọng là làm trong bao lâu? Anh chàng cố gắng rèn luyện làm sao tư duy thật nhanh, thật chính xác. Kinh nghiệm của Đức là làm đi làm lại đề thi mẫu, đến mức nhìn câu hỏi là biết ngay đáp án. Nhưng mỗi lần như thế Đức lại cố gắng tìm ra thêm những cách giải khác. Cách tư duy đầu tiên có thể không phải nhanh nhất nhưng sẽ tiết kiệm thời gian nhất vì nếu phải tư duy lần 2 thì sẽ mất nhiều thời gian quý giá. Vậy nên phải biết nhiều cách để đảm bảo đúng ngay từ lần đầu tiên.
Đức chia sẻ, phần I của đề thi trắc nghiệm chủ yếu các bạn nên tìm tài liệu về GMAT để làm thêm. Dạng đề này không hề khó, chỉ cần tính nhẩm thật nhanh các phép cộng, trừ, nhân, chia, lấy căn, lũy thừa… cơ bản là có thể giải được. Các đáp án thường là các số đặc biệt nên khá dễ để tính toán. Mới đầu tính còn chậm, luyện nhiều, làm nhiều thì tốc độ tính toán ngày một tăng nhanh.
Phần II thì tốt nhất là nhớ luôn 5 đáp án để tiết kiệm thời gian. Đây là phần được đánh giá là khó nhất trong đề thi vì phải đọc đề bài thật chi tiết để chắc chắn không bỏ qua bất cứ dữ kiện nhỏ nhất gì. Phần này chủ yếu luyện cách tìm ra mối liên quan, điều kiện cần, điều kiện đủ của một hay nhiều sự kiện. Nên càng làm đi, làm lại và làm nhiều thì sẽ tăng được độ tinh tế khi nhìn vào bài toán. Với Đức, việc giải lặp lại nhiều lần phần II trong đề mẫu của FPTU cũng đã chiếm khá nhiều thời gian. Tuy nhiên các bạn nếu cần tham khảo thêm có thể tham khảo trong các bộ đề về GRE có rất nhiều trên mạng.
Đối với phần III, các bạn có thể tìm tài liệu về LSAT. Phần này thường có 1 câu hỏi lớn về logic và chia ra làm nhiều câu hỏi liên quan. Các câu hỏi thường “phức tạp chứ không hề khó”. Kinh nghiệm của Đức là vẽ tất cả các mối liên quan, các thành phần và dữ kiện lên một tờ giấy. Các kí hiệu, mối liên quan giữa các chủ thể thì anh chàng hay nghĩ ra những hình vẽ hay hay hoặc những cái tên ngộ nghĩnh cho chúng. Đức hay dùng bút chì màu để đánh dấu những thành phần khác nhau. Vì não bộ rất kích thích với màu sắc nên đôi khi tốc độ tư duy sẽ được tăng lên rất nhanh. “Nhiều lúc làm xong một bài, tờ giấy nháp đẹp như một bức tranh vậy”, anh bạn hài hước.
Về bài thi luận, có nhiều bạn nghĩ 15 điểm so với 105 điểm là không quan trọng nhưng do mức điểm xét học bổng trên dưới 90 cộng với việc liệu bạn có chắc chắn làm đúng 90 câu trắc nghiệm. Nhận ra rằng đề luận của FPTU thuộc dạng nghị luận xã hội, thường rất “lạ” và hiểm. Đề luận này không có đúng, sai. Bạn được thoải mái nêu ý kiến của mình, và phải chứng minh được vì sao ý kiến của mình lại hợp lý. Điều này cần có nhiều dẫn chứng, mà dẫn chứng muốn nhiều thì phải nắm bắt thông tin xã hội. Không phải cứ cắm mắt vào quyển sách, lẩm nhẩm văn mẫu mà phải luôn theo dõi tin tức hàng ngày qua ti vi, báo, đài, và đôi khi còn cả vài trang lá cải trên mạng. Theo anh chàng, những tờ báo Cóc Đọc cũng rất hay, vừa đọc để giải trí, vừa học được các cách sắp xếp ý, phân tích vấn đề, vừa tìm hiểu thêm về những thông tin thú vị về FPTU. Có khi những thông tin ấy chính là dẫn chứng trong bài luận, vừa gần gũi, vừa dễ lấy được cảm tình với các thầy cô chấm thi.
Bước chân thứ ba: Trong phòng thi
Trước kỳ thi điều quan trọng nhất là phải tự tin vào chính mình, nhưng sự tự tin đó phải dựa vào khả năng thực sự. Điều bất ngờ nhất là trong đề thi có một số câu Đức đã từng làm qua, thế là tiết kiệm được bao nhiêu thời gian. Do đã quen với dạng đề thi và cách tư duy, nên chỉ có một số câu khó nhằn với Đức. Đối với những câu này, theo anh bạn, tốt nhất nên “tích bừa có cơ sở”, nên khoanh vùng các đáp án trước khi lựa chọn. Do trong lúc làm bài không được dùng máy tính nên các câu tính toán chủ yếu có kết quả rất đẹp nên dễ khoanh vùng. Còn các câu về logic, sau khi vẽ ra các mối quan hệ thì cũng có thể bỏ đi một số đáp án điều này làm tăng xác suất “ghi điểm” đáng kể.
Bằng sự ôn tập kỹ lưỡng, sự chuẩn bị chu đáo, sau kỳ thi sơ tuyển, kết quả đã không phụ lòng anh chàng và gia đình. Hơn mức điểm chuẩn xét học bổng tận 2 điểm, Đức đã bước 1 chân của mình vào FPTU như thế đó. Còn các bạn, các bạn đã sẵn sàng cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới của trường ĐH FPT chưa? Chúc các bạn ôn luyện thật hiệu quả và đạt kết quả cao nhất.
Cóc đọc
Từ khóa: